Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

ĐÔI BÀN TAY CHÚA


Đức Chúa Trời là Linh, và vì là Linh nên con người không thể hiểu được Ngài khi Ngài muốn bày tỏ sự thực hữu của tình yêu của Ngài nếu Ngài không đến thế giới trong hiện thân Chúa Jesus. Để được nghe và tin, điều phải làm là" Ngôi Lời phải thành xác thịt" theo cách diễn tả của Sứ đồ Giăng. 

Trong nội dung của các sách Tin Lành có ý nói nhiều đến nhân tánh của Con Đức Chúa Trời, nếu không vậy thì Đức Chúa Trời hoàn toàn xa lạ đối với chúng ta. Tân ước chỉ cho chúng ta điều đó với một sự bền bỉ: sự ra đời trong chuồng chiên ở Bết-lê-hem xứ Do Thái, lúc 12 tuổi trong Đền thờ, chiu lụy cha mẹ, có nghĩa là có một sự lớn lên bình thường như các con của chúng ta. Ngài chỉ cho chúng ta trong quá trình thi hành chức vụ của Ngài trên đất, Ngài cũng đói, khát, và mệt mỏi, có một thân thể như chúng ta, chịu đựng cùng một quy luật, có khả năng cảm thức niềm vui và nỗi buồn, trong tiệc cưới tại làng Ca-na, hay trong vườn Ô-li-ve đau đớn, khủng hoảng. Và khi, sau sự phục sinh của Ngài, Chúa Jesus muốn bày tỏ cho các môn-đệ mình rằng Ngài thực sự sống lại, và để cho họ thực sự tin  và nhận ra chính Ngài, Ngài bảo họ: " Hãy xem tay và chân của Ta", và cho Sứ đồ Thô-ma (người nghi ngờ) 8 ngày sau đó: "Hãy xem đôi bàn tay Ta"( Găng 20:27)

Chúa Jesus, giống như chúng ta, có đôi bàn tay, đôi bàn tay thánh thiện, không nghi ngờ gì, nhưng cũng là đôi bàn tay như chúng ta. Và nếu như đôi bàn tay của chúng ta hay làm điều dữ, và nếu như đôi bàn tay của Ngài chỉ làm điều lành, thì cũng không có sự khác biệt gì, đó cũng là đôi bàn tay của một con người; như chúng ta.

    Có đủ mọi thể loại

Bàn tay biết bày tỏ, như một cái nhìn, nhân cách, tư cách, tính cách. Một bàn tay biết nói: quyền năng hay yếu đuối, cứng cỏi hay mềm mại, vuốt ve hay bạo tàn, bàn tay biểu hiện trạng thái của chúng ta.

Nó có thể ích lợi hay có hại, thánh thiện hay đầy tội ác. Có những bàn tay dịu dàng, mơn trớn; nhưng cũng có những bàn tay nhuốm máu bạo tàn, mà không một chất nước tẩy nào có thể bôi xóa được vết tích.

Có những bàn tay làm điều lành, cũng có bàn tay làm điều ác. Có những đôi bàn tay chắp lại nguyện cầu tha thiết, cũng có bàn tay làm nắm đấm vung lên bày tỏ sư ghét hận hay bạo tàn.

Có những đôi bàn tay dịu dàng của một người luôn chăm sóc, biết cầm giữ cái chân chính và làm rung động lòng người qua cái chân chất và đẹp đẽ tự nhiên. Có những bàn tay của những người làm vườn biết đào đất để trồng trọt hay bàn tay của người làm việc đào mồ chôn người chết.

Có những bàn tay đưa ra để nhận và những bàn tay đưa ra để ban cho.
Bàn tay của con trẻ Jesus được nắm giữ trong bàn tay dịu dàng của bà Ma-ri, trở thành bàn tay người thợ mộc ở Na-xa-rét. Đôi bàn tay biết cầm chày, cưa và búa. Vì Chúa Jesus cũng là người thợ, người công nhân, và những người làm việc khi nhìn thấy bàn tay Ngài họ có thể nói : « Ồ, người nầy là anh, em tôi, là đồng nghiệp của tôi, anh ta biết thế nào là công việc khi biết sử dụng bàn tay mình».

« Đây chẳng phải là con trai của Ma-ri, các em trai và em gái anh ta ở gần chúng ta sao ? » (Mác 6 :3). Đó là lý do Chúa Jesus trở thành người để tương giao với con người, Ngài làm người nhu mì nhất trên đất.Trong sách Phúc âm, Ngài không được diễn tả như một triết nhân với bàn tay trắng trẻo đến để chia sẻ một triết lý mới mẻ, cao siêu nào đó, nhưng như một người đồng nghiệp, đồng hành, một người tương thân, tương trợ trong mọi nhu yếu của tha nhân.

Bàn tay của Ngài chỉ làm điều lành

Bàn tay Chúa Jesus trên bờ hồ Ti-bê-ri-át, đưa ra làm hiệu gọi những người đánh cá theo Ngài. Bàn tay đặt trên đầu trẻ thơ để chúc phước. Một người phung chạy đến xin Ngài :  “Chúa ơi, nếu Ngài đồng ý, xin cho tôi được lành. » Chúa Jesus liền đưa tay ra, đụng người phung ô uế : «Ta đồng ý, hãy được lành ngay ! » Và anh ta được lành lập tức.

Đôi bàn tay mà Chúa Jesus đưa cho Thô-ma xem, cũng là đôi bàn tay chạm đến chữa lành mắt người mù, tai người điếc và miệng người câm. Cũng là đôi bàn tay bẻ bánh ra nuôi đoàn đông  bốn, năm ngàn người ăn. Đôi bàn tay viết lên cát, rồi xóa đi, những dòng chữ ẩn bí, khi Ngài cúi đầu xuống và rất tế nhị, đển cho từng người một, là những người kết án người phụ nữ phạm tội tà dâm bỏ đi: "Ai trong các ngươi là người không có tội thì hãy ném đá vào người trước đi. »

Bàn tay của Ngài là mẫu mực của tất cả sự thương cảm thiên thượng. Đó là đôi tay của một người hầu việc Đức Chúa Trời. Chúa xua đuổi những người mua bán bất chính trong Đền thờ bằng dây roi bện chặt , vì sự thánh thiện phải được tôn trong và Ngài bày tỏ điều ấy.

Cũng cùng đôi bàn tay ấy, Ngài đã hạ mình xuống rửa chân cho các môn đồ mình, rồi bẻ bánh và chia rượu của Tiệc thánh trong bữa ăn cuối cùng của Lễ vượt Qua : «  Nầy là thân thể ta, và nầy là huyết ta ! »

Đó là đôi tay của Chúa Jesus. Đôi bàn tay trong sạnh, chưa hề làm ai đổ lệ, ngọai trừ những giọt lệ của ăn năn, sám hối, hay vui mừng, đôi bàn tay làm dịu nhẹ, thánh thiện, thiêng liêng, đôi bàn tay giơ lên Đức chúa Trời để khẩn cầu cho nhân loại, đôi bàn tay đưa ra để chúc phước cho con người.

Đôi bàn tay bị đâm thủng

Đôi bàn tay đã được đưa ra cho Thô-ma và các môn đệ khác xem lại là đôi bàn bị đâm thủng, còn hằn lại vết máu của cây đinh treo Ngài trên Thập giá.

Chúa Jesus đã đưa tay ra để chúc phước, để ủi an, để chữa lành, Ngài đưa chúng lên với uy quyền của một vị Thầy được lắng nghe. Nhưng cũng là đôi bàn tay vặn lại trong khủng hoảng tại vườn Ghết-sê-ma-nê, đôi bàn tay nâng thập giá lên để vác trên con đường thương khó đến đồi sọ, nơi những người lính La-mã, với tất cả sự bạo tàn của mình, đã đóng cây đinh sắt nhọn vào xác thịt quằn quại của Ngài.

Đôi bàn tay mà Ngài đưa ra, đôi bàn tay mà chúng đã thấy, là đôi bàn tay của Chúa Cứu Thế. Chúng thể hiện tấm lòng của chính Đức Chúa Trời, Đấng mà, để cứu chuộc, trong tình yêu của Ngài, đi cho đến cuối cùng trong đau đớn và hy sinh : « Tất cả đã được trọn ! »

Chỉ vì chúng ta mà tất cả chưa được hoàn thành. Trước tình yêu lớn lao, trước sự thánh khiết trọn vẹn, trước sự vĩ đại như thế, chúng ta chỉ có thể làm như Thô-ma, khi ông thấy bàn tay mang dấu đinh của Ngài,là quì gối xuống thưa với Ngài : « Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi ! », xưng nhận niềm tin của mình rằng Jesus đang đứng trước mặt ông đây cũng chính là Chúa Jesus mà ông biết khi trước, cũng xưng nhận Chúa Jesus nầy mà ông đã nghi ngờ, cũng là Cứu Chúa của ông, của Thô-ma, mà vì ông mà đôi tay này bị đâm thủng.

Đó cũng là vì chúng ta. Chúa Jesus cũng nói với chúng ta như Ngài nói với Thô-ma : « Hãy nhìn bàn tay ta ! » Hoặc đúng hơn, như trước đó, Ngài dang tay ra về phía chúng ta, để cứu chuộc chúng ta. Ngài muốn cứu chúng ta ra khỏi tội lỗi đang làm quằn quại lòng mình, ra khỏi niềm tuyệt vọng đang làm chúng ta vắt tay lên trán bao đêm, ra khỏi sự  thấp kém khiến chúng ta bao lần nghiến răng chịu nhục, ra khỏi sự buông xuôi bất lực trước cuộc đời…Ngài có thể !

Như khi Sứ đồ Phi-e-rơ bắt đầu bị chìm xuống nước của biển hồ Gê-nê-xa-rét, ông la lên :  “Chúa ơi, cứu con ! » Ngay lập tức Chúa Jesus đưa tay ra năm lấy tay ông.

H . VINCENT