Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

NHỮNG ĐIỀU KHÓ HIỂU TRONG KINH THÁNH--9


MỘT HÀNH ĐỘNG NHÂN TỪ THƯƠNG XÓT ĐỐI VỚI TRẺ CON 
Thứ tư, việc tận diệt các con trẻ của dâm loạn chẳng những là một hành động nhân từ thương xót và tình yêu đối với cả thế giới nói chung, mà còn là một hành động nhân từ thương xót và tình yêu đối với chính các trẻ con ấy nữa. Điều gì chờ đợi đám trẻ con ấy nếu chúng được để cho sống, nếu không phải là một điều gì đó còn vô cùng tệ hại hơn là sự chết?

Chúng ta không dám độc đoán để bàn đến điều gì chờ đợi chúng khi chúng chết đi, nhưng nếu không chấp nhận cái giáo thuyết hoàn toàn không có cơ sở của Thánh Kinh và khó có thể là đúng được về vấn đề tất cả các trẻ con không chịu phép báp-tem đều sẽ bị nguyền rủa, thì chúng ta chẳng cần gì sợ hãi. Ngay đến cả hiện nay, tôi hầu như có thể mong rằng tất cả các con trẻ được sinh ra trong những xóm nghèo nàn đói khổ đều chết đi khi hãy còn thơ dại, nếu không có hi vọng rằng Hội thánh của Chúa Cứu thế sẽ tỉnh thức để đem Phúc âm của Con Đức Chúa Trời đến cho chúng.
Nhưng có người vẫn còn có thể nói: “Vâng, tôi thấy là thà xoá sạch số người đã sa đà thậm tệ như thế bằng một hành động nhân từ thương xót còn hơn nhưng tại sao lại không thực hiện điều đó bằng một dịch bệnh hay một nạn đói, mà lại là bằng cách nhờ tay người Y-sơ-ra-ên tàn sát chúng?” Lời đáp cho vấn nạn này rất đơn giản. Bản thân dân Y-sơ-ra-ên đang chịu huấn luyện. Họ vẫn thường xuyên sa vào tội lỗi và cần được một bài học nghiêm khắc mà họ phải học bằng cách thực thi cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời đối với tội ác và thói quỉ quyệt của dân Ca-na-an. Họ sẽ có được một ấn tượng sâu đậm về sự thánh khiết và thù ghét tội lỗi của Đức Chúa Trời.
Trước khi phải thực thi sự phán xét của Đức Chúa Trời trên người Ca-na-an, dân Y-sơ-ra-ên đã được phán dạy rõ ràng rằng lý do khiến họ phải tận diệt dân Ca-na-an là “để chúng nó không dạy các ngươi bắt chước làm theo những sự gớm ghiếc chúng nó đã làm, đặng cúng thờ các thần chúng nó” (Phục 20:18). Cả quá trình này là một thí dụ minh hoạ gây ấn tượng cho việc Đức Chúa Trời vô cùng ghen ghét tội lỗi. Nó dạy cho chúng ta rằng tội lỗi cứ tồn tại dai dẳng là một điều nghiêm trọng và tai hại nên nhất thiết phải tận diệt cả một dân tộc gồm luôn đàn ông, đàn bà và trẻ con nữa, là những kẻ vẫn miệt mài trong đó. Đó chỉ là một bài học đơn giản mà cả Thánh Kinh đều dạy, cả lịch sử cũng dạy, và được viết lên bằng những chữ lửa: “Tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rô-ma 5:23)
Ý THỨC VỀ CHÍNH TỘI LỖI CỦA CHÚNG TA 
Điều thứ năm cần nói, là người nào xem nhẹ tội lỗi, chưa có được một quan niệm đầy đủ về sự thánh khiết của Đức Chúa Trời, thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn khó vượt nổi đối với lệnh truyền này của Đức Chúa Trời. Mặt khác, những ai đa thấy được tính cách đáng sợ của tội lỗi, đã học tập để biết thù ghét nó đúng với sự thù ghét vô hạn mà nó xứng đáng phải nhận được, đã có được những cái nhìn thoáng qua để thấy sự thánh khiết vô hạn của Đức Chúa Trời, và đã tham dự một phần nào đó vào sự thánh khiết ấy, thì sau khi đã suy nghĩ chín chắn, sẽ chẳng còn gặp khó khăn gì nữa đối với lệnh truyền này. Đó là vấn đề phải ý thức được ngay trong lòng, và đời sống chúng ta rằng chính nó đã khiến chúng ta nổi loạn chống lại cách đối phó nghiêm khắc của Đức Chúa Trời với tội lỗi.
VIỆC DUNG THA CHO PHỤ NỮ 
Thiết tưởng còn một việc nữa cần phải nói. Lắm khi người ngoại đạo đã đưa ra lời phản bác ngụ ý khinh bỉ là trong một số trường hợp như phụ nữ đã được đề cập trong Phục truyền 20:10-15 cũng như việc phải dung tha phụ nữ trong Dân số ký 31:21-35:40là phụ nữ phải được dung thứ vì các mục đích vô đạo đức (tà dâm, dâm ô). Có một nhà văn từng chất vấn: “Tôi có phải hiểu là Đức Chúa Trời đã tán thành việc nhận bồi thường chiến tranh bằng các chiến lợi phẩm là một số trinh nữ để dùng vào một công việc đã quá rõ ràng, hay không?” Những lời lẽ nặng nề tương tự như thế có thể được tìm thấy trong một số các quyển sách ngoại đạo.
Lẽ dĩ nhiên, ngụ ý của người thắc mắc đặt vấn đề như thế là các thiếu nữ ấy đã được thu nhận là vì các chủ đích vô đạo đức. Đó là cách sử dụng “đã quá rõ ràng” đối với phía người phản bác.Tuy nhiên, nó vốn chẳng có gì là “quá rõ ràng” đối với bất cứ một người có tâm trí trong sạch nào khi đọc phần ký thuật thực sự đó trong Kinh điển. Trong phần ký thuật đó của Kinh điển, đã chẳng hề có chút ám chỉ xấu xa nào rằng các trinh nữ kia vốn được dành cho cái công việc mà họ nghĩ đến. Với người có tấm lòng xấu xa bất khiết, thì lẽ dĩ nhiên là việc bao giờ cũng rõ ràng là nếu các phụ nữ còn để cho sống và bắt đi làm của cống nộp để bồi thường chiến tranh, thì họ đều bị bắt là vì mục đích ấy, nhưng thậm chí, một việc như thế cũng không hề xảy ra với người có tâm trí trong sạch, thuần khiết.
Toàn văn của khúc sách trong Dân 31:1-54 mà người ta hầu như rất thường viện dẫn liên quan đến vấn đề này của những người không tin Chúa, là một lời cảnh cáo nghiêm trọng chống lại thói vô đạo đức thuộc loại ấy. Cho nên, nó vốn không phải nhằm gợi ý rằng Đức Chúa Trời dung túng những hành động dâm ô thuộc loại như thế, mà còn chứng minh rằng Ngài vốn đối xử nghiêm khắc như thế nào đối với điều bất khiết ấy.
Trong Dân số ký 25:1-18 chúng ta được bảo cho biết thể nào đàn ông trong dân Y-sơ-ra-ên phải tự chọn mình khỏi điều ô uế với các con gái Mô-áp như thế nào, mà còn cho biết hậu quả của nó là “cơn giận của Đức Giê-hô-va bèn nổi lên cùng Y-sơ-ra-ên” (25:3) và thế nào Đức Chúa Trời đã thăm phạt cách sống bất khiết đó của họ bằng sự trừng phạt nghiêm khắc nhất (25:5,8-9). Cũng ngay trong chương sách đó, tất cả các phụ nữ đã phạm vào thói dâm ô đó đều bị giết đi (31:17). Và sự thật ít nhất là ở trong câu thứ mười tám cũng gợi ý rằng chỉ có trẻ con thuộc phái nữ mới được chừa lại mà thôi.
Đây chắc chắn là một hành động nhân từ thương xót của Đức Chúa Trời nhằm giải cứu “hết thảy con gái chưa hề kết bạn cùng người nam” khỏi môi trường sống xấu xa gian ác ấy, để giao chúng cho người Y-sơ-ra-ên trưởng dưỡng dạy dỗ, để chúng tiếp xúc được với tôn giáo thuần khiết và được đào tạo huấn luyện để trở thành những phụ nữ trong sạch. Cho nên, theo như phần ký thuật, thì chúng đã không được giao cho người Y-sơ-ra-ên nhằm các chủ đích dâm ô bất khiết, mà vốn được phó thác cho họ nhằm vào chủ đích cao cả hơn hết.
TRUYỆN TÍCH VỀ GIÔ-SUÊ TRUYỀN LỆNH CHO MẶT TRỜI DỪNG LẠI 
 
Một trong những chỗ khó khăn nhất trong Thánh Kinh đối với một người học hỏi nghiên cứu là trong câu chuyện được ghi lại ở Giô-suê 10:12-14 mà về nó, giám mục Colenso từng viết: “Phép lạ trong sách Giô-suê này là thí dụ nổi bật hơn hết về điểm di biệt giữa Kinh điển và khoa học”.
“Ngày mà Đức Giê-hô-va phó dân A-mô-rít cho cho dân Y-sơ-ra-ên, thì Giô-suê thưa cùng Đức Giê-hô-va tại trước mặt Y-sơ-ra-ên, mà rằng: Hỡi mặt trời, hãy dừng lại trên Ga-ba-ôn; hỡi mặt trăng, hãy dừng lại trên trũng A-gia-lôn! Mặt trời bèn dừng lại, mặt trăng liền ngừng. Cho đến chừng dân sự đã báo thù quân nghịch mình. Điều đó há không có chép trong sách Gia-sa sao? Mặt trời dừng lại giữa trời, và không vội lặn ước một ngày trọn”.
Các nhà phê bình phá hoại và người ngoại đạo nói rằng câu chuyện này không thể nào có thật được; rằng nếu mặt trời đã dừng lại theo như cách đã được ghi lại ở đây, thì nó đã phải làm đảo lộn cả diễn biến của cõi thiên nhiên. Chẳng ai dám nói là nó có thật hay không. Đó chỉ là một giả định mà thôi. Thế nhưng Đức Chúa Trời là Đấng đã sáng tạo ra địa cầu, mặt trời và toàn thể vũ trụ này có thể giữ cho nó đứng vững cả khi mặt trời có dừng lại, hay nói chính xác hơn, là nếu địa cầu có dừng lại trên trục xoay của nó, của mặt trời trông có vẻ như đã đứng yên.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu kỹ khúc sách này trong Hy-bá-lai văn, chúng tôi nhận thấy nguyên văn nó rằng mặt trời dừng lại. Lệnh truyền của Giô-suê trong câu mười hai rằng “Hãy dừng lại” dịch theo nguyên văn là “Hãy im lặng”, còn mấy chữ được dịch ra “dừng (đứng yên)” trong câu mười ba theo nguyên văn là “đã im lặng”. Nó đã được dịch ra chín lần trong Thánh Kinh là “giữ im lặng”’ ít ra cũng năm lần là “hãy im lặng”; trong một khúc sách khác là “giữ sự bình an của nó”; trong một khúc sách khác nữa là “tự giữ im lặng” trong một khúc sách khác “trì hoãn”; trong một khúc sách khác nữa, là “chờ, đợi” và trong một khúc sách khác nữa là “ngừng, nghỉ”. Những cách dịch như thế tổng cộng có đến trên dưới ba mươi lần nhưng đã chẳng bao giờ được dịch ra là “dừng lại đứng yên” ngoại trừ trong khúc sách này. Từ ngữ đã được dịch ra là “dừng” và “ngừng” trong Giô-suê 10:13 thỉnh thoảng còn được dịch là “đứng yên”. Nghĩa đen của nó là “đứng” hay “đứng lên” nhưng cũng được dùng theo nghĩa là “đứng lại” , “trì hoãn” hay dừng lại tại một nơi nào đó, trong một tình trạng hay điều kiện nào đó chẳng hạn như trong II Vua 15:20 haySáng 45:1.
Vậy thì, ý muốn nói về tình trạng của mặt trời và mặt trăng trong đoạn sách này là trì hoãn, trì hoãn chưa chịu làm, chứ không phải là tuyệt đối đứng yên hay dừng lại, mà chỉ có vẻ như sự chuyển động (hay việc lặn đi) của chúng đã bị chậm lại hay bị trì hoãn mà thôi. Hơn nữa các từ ngữ Hy-bá-lai văn “giữa trời” theo nghĩa đen là “tại nửa lưng trời”. Từ ngữ đã được dịch ra là “giữa” cũng đã hơn một trăm lần dịch ra là “nửa”. Nó chỉ được dịch ra là “giữa” có năm hoặc sáu lần mà thôi, mà ở một trong các trường hợp như thế (Dân 9:27) bản Revised Version đã đổi từ giữa sang nửa. Trong các trường hợp còn lại nó cũng có thể, hoặc đúng hơn là nên được dịch ra là nửa (thí dụ như trong Thi thiên 102:24).