Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

Đức Tin Thách Thức Thất Bại


Trong thế giới này, con người được đánh giá bằng khả năng làm việc của mình. Họ được đánh giá tùy vào quãng đường họ đã đi được trên lộ trình tiến lên ngọn đồi của thành tựu. Tận bên dưới là sự thất bại hoàn toàn; cao ngất bên trên là sự thành công vượt bậc; ở giữa hai thái cực này, số đông những con người văn minh đổ mồ hôi và tranh chiến từ khi còn trẻ cho đến lúc già nua.Một số thì chịu thua, tuột xuống tận đáy và trở thành cư dân của những khu nhà ổ chuột. Tại nơi đó, tham vọng ra đi và tan vỡ, họ sinh tồn nhờ vào của bố thí cho đến khi tự nhiên ngăn họ lại và cái chết đến cướp họ đi.



Trên đỉnh chỉ có một số ít người, bởi sự kết hợp của tài năng, sự làm việc chăm chỉ, cùng với cơ hội tốt, đã thành công và vươn tới đích; mọi sự xa hoa, danh vọng và quyền lực đều có ở đó.

Nhưng bên trong tất cả những điều này không hề có chút niềm vui nào cả. Nỗ lực để thành công đã tạo nên quá nhiều áp lực đè nén các dây thần kinh. Sự bận bịu quá mức trong việc tranh chiến để thắng lợi đã thu hẹp tâm trí, làm tấm lòng trở nên cứng cỏi, và ngăn chặn hàng ngàn mặc khải sáng chói vốn có thể đem đến niềm hạnh phúc nếu chỉ dành chút ít thời gian lưu tâm đến chúng. Người leo đến đỉnh thường không tìm được nguồn hạnh phúc lâu dài. Anh ta trở nên đắm chìm trong nỗi lo sợ rằng mình sẽ trượt ngã và buộc phải nhường vị trí của mình cho một người nào khác. Những ví dụ đại loại như thế thường thấy trong cách mà các ngôi sao điện ảnh theo dõi mức độ người khác yêu thích mình hay cách một chính trị gia lo âu trước sự ủng hộ của dân chúng.

Một viên chức đắc cử biết rằng qua cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 8, uy tín của ông giảm 2% so với hồi tháng 3, và ông bắt đầu đổ mồ hôi giống như một tên tội phạm đang trên đường đến nhà giam. Một cầu thủ sống bằng bàn thắng, một thương gia bằng cái biểu đồ gia tăng của mình và một ngôi sao nhạc giao hưởng bằng đồng hồ đo tiếng vỗ tay. Chẳng có gì lạ khi một người thách đấu trên vũ đài khóc nức nở khi anh ta không thể hạ gục đương kim vô địch. Việc đứng thứ nhì khiến anh ta rất buồn bã; đứng nhất mới làm anh vui.
Ham thích thành công là một điều tốt đã bị xuyên tạc. Khao khát hoàn thành mục đích chúng ta được tạo dựng dĩ nhiên là một món quà từ Đức Chúa Trời, nhưng tội lỗi đã xoay ngược nó lại và đẩy nó vào tham vọng ích kỷ các địa vị đầu tiên và những vinh dự cao nhất. Vì tham vọng này, cả thế giới loài người bị điều khiển bởi một con quỷ, và không có lối thoát.

Khi chúng ta đến với Đấng Christ, chúng ta bước vào một thế giới khác. Thánh Kinh Tân Ước giới thiệu cho chúng ta một triết lý thuộc linh vô cùng cao sâu và hoàn toàn trái ngược với cái triết lý làm động cơ thúc đẩy thế giới này. Theo sự dạy dỗ của Đức Chúa Jêsus, người nghèo khó thuộc linh là người được phước; người nhu mì sẽ hưởng được đất; kẻ đầu nên rốt và kẻ rốt nên đầu; người vĩ đại nhất là người phục vụ người khác tốt nhất; người mất tất cả mọi sự, vào thời điểm cuối cùng, là người duy nhất có được tất cả; người thành công trên thế gian này sẽ thấy những kho báu mình tích trữ được bị cuốn trôi bởi trận cuồng phong của sự đoán xét; người nghèo công bình sẽ được ngồi ở trước ngực Áp-ra-ham và người giàu sẽ bị thiêu đốt trong lửa địa ngục.

Chúa chúng ta đã chết như một người thất bại rõ ràng, do những nhà lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ mang đến, bị xã hội loại trừ và bạn bè bỏ rơi. Người ra lệnh đưa Ngài lên thánh giá có đường lối chính trị thành công, một người mà các chính trị gia đầy tham vọng đã ôm hôn. Cần phải có sự sống lại mới chứng minh Đấng Christ đã chiến thắng vinh hiển như thế nào, và nhà cầm quyền đã thất bại thảm hại ra sao.

Nhưng ngày nay Hội Thánh phổ thông dường như chẳng học hỏi được điều gì. Chúng ta vẫn còn nhìn theo cách con người nhìn, và đánh giá theo cách mà con người thường đánh giá. Bao nhiêu công việc tôn giáo đã được thực hiện mà không có một mong muốn làm cho tốt đến bởi xác thịt? Bao nhiêu giờ cầu nguyện đã bị lãng phí khi van nài Đức Chúa Trời chúc phước cho những dự án đề cao sự vinh dự cho những con người nhỏ bé? Bao nhiêu số tiền thánh đã đổ ra trên những con người, bất luận họ cầu khẩn khóc lóc thế nào, chỉ tìm kiếm để thực hiện một cuộc biểu diễn đẹp trong xác thịt?
Cơ Đốc nhân thật nên xây khỏi tất cả những điều này. Đặc biệt là những mục sư Tin Lành nên tìm kiếm và tra xét trong lòng mình xem động cơ sâu thẳm của mình là gì. Không một người nào xứng đáng với sự thành công cho đến khi nào anh ta sẵn sàng để thất bại. Không một người nào xứng đáng, về mặt đạo đức, với sự thành công trong các hoạt động tôn giáo cho đến khi anh ta sẵn lòng để cho vinh dự của sự thành công thuộc về người khác nếu Đức Chúa Trời muốn như vậy.

Đức Chúa Trời có thể cho phép tôi tớ Ngài được thành công khi Ngài đã kỷ luật anh ta đến một điểm, nơi mà anh ta không cần phải có thành công mới thấy hạnh phúc. Một người hãnh diện bởi thành công và chán nản trước thất bại vẫn là một con người xác thịt. Dù có điều kiện tốt nhất đi nữa, bông trái của anh ta vẫn có một con sâu bên trong. Đức Chúa Trời sẽ cho phép tôi tớ Ngài thành công khi anh ta học biết rằng sự thành không không làm cho anh ta trở nên thân thuộc hơn với Đức Chúa Trời, cũng không có giá trị hơn trong toàn bộ hệ thống vật chất. Chúng ta không thể mua ân huệ của Đức Chúa Trời bằng các đám đông, những người cải đạo, hay những giáo sĩ mới được sai phái đi, hoặc sự phân phối Kinh Thánh. Tất cả những điều này có thể được thực hiện mà không có sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh. Một nhân cách tốt và một tri thức sắc xảo của bản chất tự nhiên của con người là tất cả những gì mà bất kỳ ai cũng cần để trở thành một sự thành công trong các giới tôn giáo ngày nay.

Vinh dự lớn của chúng ta nằm ở chỗ trở nên giống như Đức Chúa Jêsus: Được chấp nhận bởi những ai chấp nhận Ngài, bị đào thải bởi những ai đào thải Ngài, được yêu mến bởi những ai yêu mến Ngài, và bị căm thù bởi những ai căm thù Ngài. Còn vinh hiển nào hơn cho con người?
Chúng ta có thể theo chân Ngài đi đến thất bại (trong cái nhìn của thế giới này). Đức tin thách thức thất bại. Sự sống lại và sự đoán xét sẽ chứng minh trước tất cả các thế giới ai thắng và ai thua. Chúng ta có thể chờ.

 Giá Trị của Sự Tưởng Tượng Ðã Ðược Thánh Hóa


Giống như những sức mạnh khác thuộc về chúng ta, sự tưởng tượng có thể hoặc là một ơn lành hoặc là một sự rủa sả, tùy thuộc hoàn toàn vào việc nó được sử dụng như thế nào và nó được kỷ luật ra sao.Chúng ta thảy đều có một mức độ sức mạnh nào đó để tưởng tượng. Món quà này cho phép chúng ta thấy được ý nghĩa trong những gì thuộc về vật chất, nắm bắt được những cái giống nhau giữa các sự vật vốn lúc đầu xem có vẻ chẳng giống nhau chút nào cả. Nó cho phép chúng ta biết những cái mà cảm giác không bao giờ có thể nói với chúng ta, vì bởi nó mà chúng ta có thể thấy xuyên qua sự biểu hiện của cảm giác đến thực tại nằm đằng sau của các sự vật.

Mỗi tiến bộ do con người thực hiện trong bất cứ lĩnh vực nào trở nên giống như một ý tưởng vốn hoàn toàn mới mẻ trong khung thời gian. Tâm trí của nhà phát mình chỉ đơn giản nắm bắt những chi tiết rất nhỏ của các ý tưởng tương tự với nhau và tạo nên một cái gì đó không những hoàn toàn khác biệt mà còn là một thứ chưa hề tồn tại cho đến thời điểm đó. Vì thế chúng ta “sáng tạo” nên các đồ vật, ý tưởng; và việc làm đó minh chứng chúng ta được tạo dựng theo hình và ảnh của Đấng Tạo Hóa. Việc con người sa ngã thường sử dụng năng lực sáng tạo của mình để phục dịch cho điều ác không hề làm giảm hiệu lực lý luận của chúng ta. Bất cứ tài năng nào cũng có thể được dùng cho điều ác cũng như cho điều thiện, tuy nhiên, mọi tài năng đều đến từ Đức Chúa Trời.

Một số người lẫn lộn cách sai lầm từ “giàu tưởng tượng” và từ “có tính chất tưởng tượng” (ảo) đã phủ nhận việc tưởng tượng có một giá trị rất lớn trong sự hầu việc Đức Chúa Trời. Phúc Âm của Đức Chúa Jêsus Christ không hề có dính dáng gì đến những điều có tính chất tưởng tượng. Cuốn sách hiện thực nhất trên thế giới này là quyển Kinh Thánh. Đức Chúa Trời là thật, con người là thật, tội lỗi, sự chết và địa ngục cũng vậy, một nơi mà chắc chắn tội lỗi sẽ đưa đến. Sự hiện diện của Đức Chúa Trời không hề có tính chất tưởng tượng, sở thích cầu nguyện miệt mài cũng vậy. Những gì gắn liền với sự chú ý của người đang cầu nguyện, dù không phải vật chất, hoàn toàn là thật; còn hơn là thật nữa, cuối cùng nó sẽ được thừa nhận, hơn bất cứ điều gì khác trên trần gian này.

Giá trị của một trí tưởng tượng thánh sạch thuộc phạm vi tôn giáo nằm bên trong sức mạnh giúp nắm bắt được trong những cái tự nhiên bóng dáng của những cái thuộc linh. Nó cho phép một con người kính sợ

Thấy thế giới trong một hạt cát
Và cõi vĩnh hằng trong một giờ

Sự yếu đuối của người Pha-ri-si chính là sự thiếu trí tưởng tượng, hay những cái đưa đến điều đó, ông ta từ chối để nó bước vào lĩnh vực tôn giáo. Ông thấy các con chữ với những ý nghĩa thần học được gìn giữ cẩn thận và ông không thấy gì phía sau cả.

Hoa anh thảo ở cạnh bờ sông
Một bông hoa vàng cho anh,
Và không còn gì hơn nữa

Khi Đức Chúa Jêsus đến với sự sâu sắc thuộc linh rạng rỡ của Ngài và một sự nhạy cảm đạo đức tuyệt vời, thì người Pha-ri-si coi Ngài như một người mộ đạo của một tôn giáo nào khác, nhưng thật ra là chính Ngài; giá như thế giới này hiểu được điều đó. Ngài có thể thấy được linh hồn của những con chữ trong khi người Pha-ri-si chỉ thấy được cái xác bên ngoài, và ông ta chỉ có thể loanh quanh cố tìm cách minh chứng Đức Chúa Jêsus sai trật bằng cách bám vào các con chữ của luật pháp hay sự giải thích được truyền thống coi là thiêng liêng. Khoảng cách giữa chúng (truyền thống luật pháp và sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh - ND) là quá lớn để cho phép chúng cùng tồn tại; vì thế người Pha-ri-si, người ở địa vị lập nên truyền thống, đã đẩy Nhà Tiên Tri trẻ vào chỗ chết. Nó đã luôn là như vậy, và tôi cho rằng nó cũng sẽ luôn là như vậy cho đến khi trái đất này đầy dẫy tri thức về Đức Chúa Trời, giống như nước bao phủ đại dương.

Vì là một bản năng của tâm trí tự nhiên, nên sự tưởng tượng cần thiết phải chịu đựng cả từ những giới hạn bên trong cũng như từ một khuynh hướng di truyền hướng về điều ác. Vì văn tự trong bản King James (tương đương là Bản dịch cũ của Kinh Thánh tiếng Việt - ND) không mang ý nghĩa về sự tưởng tượng, mà chỉ nói về những nguyên nhân của con người tội lỗi, tôi không viết để bào chữa cho trí tưởng tượng ô uế. Tôi biết rõ rằng từ đó đã chảy ra một dòng suối ô nhiễm bởi những ác tưởng trải qua các tháng năm, đưa đến hành vi không tôn trọng pháp luật và có tính chất hủy diệt về phần của con người.

Tuy nhiên, trí tưởng tượng được thanh tẩy, được điều khiển bởi Đức Thánh Linh là một điều hoàn toàn khác, và đó chính là cái tôi muốn nói đến ở đây. Tôi ao ước thấy trí tưởng tượng được giải phóng khỏi nhà tù của nó và được đưa đến đúng chỗ của mình giữa vòng những đứa con của sự sáng tạo mới. Cái mà tôi cố diễn tả ở đây là một đặc ân thánh cho phép con người được nhìn, một năng lực nhìn xuyên qua bức màn và chăm xem, với sự ngạc nhiên kỳ diệu, nơi những vẻ đẹp, những bí mật của những điều thánh khiết và đời đời.

Tâm trí lề mề, nặng nề không ích lợi gì cho Cơ Đốc giáo cả. Để nó cai trị Hội Thánh đủ lâu thì nó sẽ dồn ép Hội Thánh vào chỗ lựa chọn một trong hai hướng: Hoặc là hướng về chủ nghĩa tự do, nơi mà Hội Thánh tìm thấy sự khoây khỏa trong sự tự do giả tạo, hay hướng về thế giới, nơi mà Hội Thánh sẽ tìm thấy một thú vui rất thú vị, nhưng đầy tai họa. Nhưng tôi tự hỏi liệu điều này có phải là tất cả những gì Lời Chúa đã ghi lại trong sách Phúc Âm Giăng: “Lúc nào Thần Lẽ Thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe và bày tỏ cho các ngươi những sự sẽ đến. Ấy chính Ngài sẽ làm sáng danh ta, vì Ngài sẽ lấy điều thuộc về ta mà rao bảo cho các ngươi” (16:13-14).

Có được một tâm trí do Thánh Linh cai trị là đặc quyền bởi ân điển của Cơ Đốc nhân, và điều này bao trùm mọi việc tôi đã nói ra ở đây.

Hãy Vun Trồng Tính Giản Dị và Tạo Lập Một Cõi Riêng Tư



Cơ Ðốc nhân chúng ta phải đơn giản hóa đời sống mình nếu không thì sẽ đánh mất những kho báu không kể xiết trên trần gian và cõi đời đời.
Nền văn minh hiện đại quá ư phức tạp đến nỗi không thể khiến một đời sống mộ đạo trở nên trọn vẹn. Nó làm chúng ta kiệt sức với vô số trò tiêu khiển và đánh bại chúng ta bằng cách tiêu diệt sự riêng tư của chúng ta, nếu không thì chúng ta đã có thể đón nhận và làm tươi mới lại sức mạnh của mình trước khi ra ngoài tiếp tục đối đầu với trần gian.

"Linh hồn lo lắng nghỉ ngơi trong cõi riêng tư," một nhà thơ, của thời đại khác và yên tĩnh hơn, đã nói như thế; nhưng chúng ta có thể tìm đâu ra nơi riêng biệt để mà nghỉ ngơi trong thời đại này? Khoa học, vốn đã mang đến cho con người vô số tiện nghi vật chất lại cướp đi linh hồn của họ bằng cách bao vây họ với một thế giới thù địch sự tồn tại của họ. "Trên giường mình hãy suy gẫm trong lòng và làm thinh" (Thi thiên 4:4) là một lời khuyên khôn ngoan để chữa lành vết thương, nhưng làm thế nào có thể tuân theo nó trong thời đại của báo chí, điện thoại, truyền thanh và truyền hình này? Những thứ tiêu khiển hiện đại này, giống như những con cọp con đáng yêu, đã phát triển rộng khắp và trở nên nguy hiểm khi chúng đe dọa nuốt chửng lấy tất cả chúng ta. Cái gì đã được định là phúc lành nay rõ ràng trở thành điều nguyền rủa. Không có nơi nào ngày nay thoát khỏi sự xâm nhập của thế gian.
Một phương cách mà thế giới văn minh dùng để tiêu diệt con người là ngăn ngừa họ tư duy bằng chính tư tưởng của mình.

"Những phương tiện truyền thông được cải thiện cách nhanh chóng" của chúng ta, với một lời khoe khoang thiển cận, ngày nay lại cho phép một vài người ngồi trong những trung tâm chiến lược nhồi nhét vào đầu hàng triệu người những tư tưởng ngoại lai, đã được chuẩn bị sẵn và gọt giũa sao cho dễ hiểu. Với một chút hấp thu, không cần phải cố gắng, những tư tưởng vay mượn này, một người bình thường đã sản sinh mọi tư tưởng anh ta muốn hay có thể sản sinh. Sự tẩy não tinh tế này diễn ra hàng ngày và từ năm này sang năm khác gây nên sự thương tổn vĩnh viễn cho quần chúng - thật bất ngờ, một quần chúng sẵn sàng chi trả một số tiền lớn để thực hiện việc này. Tôi nghĩ lý do là nó giải phóng họ khỏi những khó khăn và nhiệm vụ thường gây lo sợ của việc thực hiện những quyết định độc lập, điều mà sau này họ sẽ phải chịu trách nhiệm.
Ðã có một thời, cách đây chưa lâu lắm, khi mà nhà của một người là nơi riêng tư và an toàn của anh ta, một nơi trú ẩn mà anh sẽ quay về tìm kiếm sự yên tĩnh và riêng tư. Nơi đó, "những cơn mưa của thiên đàng có thể tạt vào, nhưng chính bản thân vị vua không thể bước vào mà không được phép," người Anh kiêu hãnh đã nói thế, và có lẽ đúng trong câu nói của họ. Ðó thực sự là một ngôi nhà. Nó thật là một nơi thiêng liêng mà nhà thơ đã hát:

Ôi, khi tôi an ổn trong ngôi nhà thôn dã của mình,
Tôi giẫm lên sự kiêu hãnh của Hy Lạp và Rô-ma;
Và khi tôi nằm bên dưới gốc cây thông,
Nơi những ngôi sao đêm chiếu sáng cách lạ kỳ,
Tôi cười nhạo sự thông sáng và niềm kiêu hãnh của con người,
Những trường phái triết học, và phe đảng của những người học thức;
Tất cả họ sẽ là gì, trong sự kiêu ngạo của mình,
Khi con người trong bụi rậm có thể gặp Ðức Chúa Trời? - Ralph Waldo Emerson trong Good-bye

Dù chưa có dấu hiệu rõ ràng nào trong thời điểm hiện tại, song tôi không thể bỏ qua nhận xét rằng dấu hiệu đáng ngại nhất của sự sụp đổ sắp đến của đất nước chúng ta là sự tan rã của gia đình Mỹ. Người Mỹ không còn sống trong nhà nữa, họ sống trong các rạp hát. Những thành viên của nhiều gia đình hiếm khi biết lẫn nhau, và gương mặt một số ngôi sao truyền hình đối với nhiều bà vợ cũng quen thuộc như gương mặt của chồng mình vậy. Ðừng cười. Chúng ta nên khóc vì điềm báo đó thì hơn. Sẽ chẳng tốt lành gì khi chúng ta quấn mình trong lá cờ sao và sọc (cờ Mỹ) để bảo vệ mình. Không một quốc gia nào có thể chịu đựng lâu dài những con người đã bán mình cho miếng ăn và rạp xiếc. Ông cha chúng ta đã ngủ ngon lành; tiếng ầm ĩ khó nghe của hoạt động mua bán nhận chìm chúng ta, giống một cái gì đó trong địa ngục của thi hào Dante, đã không thể quấy rầy giấc ngủ của họ. Họ để lại cho chúng ta một di sản đồ sộ. Ðể bảo vệ di sản của họ, chúng ta phải có một nghị lực dân tộc mạnh mẽ như của họ. Và điều này chỉ có thể được phát triển trong gia đình Cơ Ðốc.

Nhu cầu cần sự riêng tư và yên tĩnh chưa bao giờ to lớn như hiện nay. Thế gian sẽ làm gì về nó là vấn đề của họ. Rõ ràng là con người muốn nhu cầu đó theo cách của họ và số đông Cơ Ðốc nhân lại hoàn toàn chạy theo thời đại đến độ họ cũng muốn các thứ theo cách mà những điều đó thể hiện. Họ có thể bị làm phiền chút ít bởi tiếng la hét ầm ĩ và bởi lối sống cá chậu, chim lồng, nhưng rõ ràng là họ đã không bị làm phiền đủ để có thể đứng ra làm một điều gì đó. Tuy nhiên, có một số ít con cái của Ðức Chúa Trời đã nhận đủ sự phiền toái đó. Họ muốn học lại những phương cách của sự riêng tư và tính giản dị, cũng như đạt được sự giàu có vô tận của đời sống bên trong. Họ muốn khám phá những ơn phước của điều mà tiến sĩ Max Reich gọi là "sự lẻ loi thuộc linh". Ðối với vấn đề đó, tôi có một lời nhắn nhủ như sau:

Hãy rời khỏi thế giới mỗi ngày và tìm đến một nơi riêng tư nào đó ngay cả nếu đó chỉ là phòng ngủ (đã có lúc tôi chạy vào phòng sưởi vì muốn có một nơi tốt hơn). Hãy ở trong nơi kín đáo đó cho đến khi những tiếng động chung quanh thảy đều biến mất khỏi lòng bạn và một cảm giác của sự hiện diện của Ðức Chúa Trời bao trùm lấy bạn. Cẩn thận loại bỏ mọi âm thanh gây khó chịu trong lòng và quyết định không nghe chúng nữa. Hãy lắng nghe Tiếng phán bên trong cho đến khi bạn biết cách nhận biết nó. Ðừng có cố mà thi đua với người khác. Hãy dâng chính bạn cho Ðức Chúa Trời và rồi trở thành con người thực của bạn bất chấp người khác nghĩ gì. Hãy giảm những sở thích của bạn xuống còn một ít thôi. Ðừng cố để biết cái gì sẽ không giúp ích cho bạn. Tránh kiểu suy nghĩ vắn tắt - những mẫu nhỏ của các dữ kiện không có liên quan với nhau, những câu chuyện hấp dẫn và những câu nói ý nghĩa. Từng giây phút, hãy học cầu nguyện trong lòng. Sau một lúc bạn có thể làm được điều này ngay cả khi bạn đang làm việc. Thực hành tính bộc trực, chân thật như con trẻ, khiêm nhường. Hãy cầu nguyện cho một mục đích. Hãy đọc nhiều hơn những gì quan trọng đối với đời sống bên trong của bạn, còn những điều ít quan trọng hơn thì đọc ít thôi. Ðừng bao giờ để cho tâm trí bạn trở nên bừa bãi như cũ. Hãy gọi những tư tưởng lang thang của bạn về. Hãy chăm xem Ðấng Christ với con mắt của linh hồn bạn. Thực hành sự tập trung thuộc linh.

Tất cả những điều trên còn tùy thuộc vào mối tương giao đúng đắn với Ðức Chúa Trời qua Ðấng Christ và sự suy gẫm Kinh Thánh hàng ngày. Thiếu những điều này chẳng có gì giúp ích chúng ta cả; hãy chấp nhận những điều này; tính kỷ luật được đề nghị sẽ tiến xa để vô hiệu hóa những ảnh hưởng xấu từ bên ngoài và làm cho chúng ta quen thuộc với Ðức Chúa Trời và linh hồn mình.
A.W.Tozer