Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

CHÚA VỐN BỨC THÀNH KIÊN CỐ - TC 41

Hơn 400 năm trước đây, tất cả Cơ-đốc nhân trong giáo hội hiếm được có cơ hội để hát thánh ca như chúng ta ngày nay. Những bài nhạc, bài hát chỉ dành cho quí ông trong hàng giáo phẩm và ban hát tinh tuyền diễn tấu, hát xướng mà thôi. Hơn nữa tất cả các bài hát, các tiết mục trong sự thờ phượng cùng lời Kinh Thánh đều được viết, đọc và hát bằng tiếng La tinh, thử hỏi giới bình dân tầm thường làm sao hiểu nổi?

Sau khi Âu châu bùng nổ cuộc phục hưng, cải chánh văn hoá và tôn giáo, người ta mới thấy có những bài hát được dịch và viết bằng tiếng mẹ đẻ của mình và như vậy mới phổ biến được trong dân chúng. Nhưng giá lúc ấy không có một người tài giỏi và đầy cảm lực như Martin Luther thì hẳn rằng những bài thánh ca cũng khó được lan truyền rộng rãi.



Luther là một lãnh tụ về Cách mạng tôn giáo Ông xuất thân là con một người thợ mỏ ở Đức, năm 1483. Dù sinh trong một gia đình nghèo nàn nhưng Chúa cho ông có tài năng âm nhạc không những biết sử dụng nhạc khó mà còn là một tay ca sĩ nữa. Lúc bé, Luther đã thường cùng các em khác đi hát dạo trước cửa nhà người giàu lẫn người nghèo mỗi dịp lễ giáng sinh để báo tin mừng cho họ. Ông đã nói rằng: “Tôi mong có thể sáng tác nhiều bài hát để phổ biến Lời Chúa cho cả nhân loại”. Tập thánh ca đầu tiên ra đời ở Đức năm 1524 chỉ có 8 bài hát thì phần ông đã chiếm 4 bài rồi. Tập thánh ca này được lan rộng khắp Âu châu, nước Đức được coi là “biển của thánh ca”, còn Luther được mệnh danh là chim oanh của Wittenberg. Trong tất cả những bài hát do Luther sáng tác, bài “Chúa vốn bức thành kiên cố” là bài hùng mạnh và thành công nhất. Bài này được viết năm 1529 và lấy ý từ Thi thiên 46:1-3 “Đức Chúa Trời là nơi nương náu và sức lực của chúng tôi, Ngài sẵn giúp đỡ trong cơn gian truân. Vì vậy chúng tôi chẳng sợ dầu đất bị biến cải; núi lay động và bị quăng vào lòng biển. Dầu nước biển ầm ầm sôi bọt, và các núi rúng động vì cớ sự chuyển dậy của nó”.

Thật, trong lúc ông đứng dậy một mình chống trả thế lực của tối tăm, phải đổ mồ hôi nước mắt và cả mạng sống vì chân lý vì chính nghĩa của Đức Chúa Trời, thì cả Âu châu đang bị mây đen vây phủ, bầy chiên của Chúa như ngạt thở và dường như công lao cứu chuộc của Huyết Đấng Christ đã hết hiệu lực. Martin Luther cảm thấy chán nản. Bệnh tật cùng nỗi thất vọng phủ chụp ông để làm tiêu tan sức lực, lòng hăng hái của ông. Mười hai năm trước, ông đã dũng cảm đóng 95 luận đề của mình lên cánh cửa nhà thờ ở Wittenberg, nước Đức. Ông nhớ rất rõ nhiều sự kiện đã xảy ra từ sự kiện đáng nhớ ấy của năm 1517. Ông đã bị Giáo hoàng dứt phép thông công và ông đã ngang nhiên đốt lệnh đốt ấy trước mặt công chúng, như Giáo hoàng đã phải ra lệnh đốt sách của ông sau này vậy. Những cuộc tranh luận với Tiến sĩ John Eck, cuộc họp Nghị viện nổi tiếng ở Worms, việc dịch Kinh Thánh ra tiếng Đức phổ thông cùng với cuộc hôn nhân của ông với Katherine Von Bora 4 năm trước... Tất cả đều hiện ra trong tâm trí ông.

Nhưng năm 1529 là khoảng thời gian buồn bã, không chỉ cho cá nhân ông mà cũng cho cả phong trào ông khởi xướng 12 năm trước đó. Trong nỗ lực dứt mình ra khỏi trạng thái chán nản, thậm chí ông dùng cả một lời khuyên của chính mình: “Eva sa vào phiền toái khi bà đi dạo một mình trong vườn. Tôi có những cám dỗ nguy hiểm nhất khi tôi chỉ ở với chính mình”, ông đã từng viết như vậy. Vì thế ông chủ tâm né tránh sự cô độc và tìm bầu bạn với những người có đồng quan điểm.

Ông cũng nói: “Không ăn uống là một cách chước tệ hại nhất, không thấy đói bụng cũng đủ tệ hại để chán nản rồi. Thế là ông tìm bè bạn ở yến tiệc, ăn uống để nếu không thoả mãn tấm lòng thì cũng thoả mãn thể xác vậy! Nhìn đến mấy tác phẩm vừa viết, ông nhận ra rằng đã có lần ông viết: nguyên tắc để bứt mình ra khỏi sự lười biếng, nhàm chán và thất vọng là: Đức tin nơi Đấng Christ, phát điên, được tình yêu của một phụ nữ tốt. Nhưng phương thuốc ưa thích của ông là âm nhạc. Ông nói: “Ma quỉ ghét âm nhạc vì nó không chiụ nổi sự hoan hỉ. Sa-tan có thể cười tự mãn nhưng không thể cười vui vẻ, có thể cười nhạo song không thể hát”. Vì thế ông có thể hát với gia đình, bè bạn và ngay lúc chỉ một mình. Ông viết: “Khi tôi đi ngủ, ma quỉ luôn luôn chực chờ tôi, tôi bắt đầu dứt khỏi kẻ thù ghê tởm ấy bằng cách giảng dạy và hát với mình. Nhiều lần, điều này rất có hiệu quả. Đối với tôi, sống là một chiến đấu không ngừng cho đức tin. Nhằm đánh bại kẻ thù của tôi, đôi lúc tôi phải gặp nó, lao đầu vào nó, đối mặt với nó, có những lần khác tôi phải gặp sự thách thức của ma quỉ cách gián tiếp”.

Nhưng tại Loburg vào năm 152 - ông 45 tuổi - sự chán nản kéo dài hết ngày này sang ngày khác cho đến lúc ông nghĩ rằng ông sẽ không bao giờ lấy lại niềm tin tưởng và sự bình tịnh đã có được trước đó. Từ chốn sâu thẳm của nỗi thống khổ và tuyệt vọng của mình, ông nhớ đến lời Chúa Giê-xu trên thập giá: “Đức Chúa Trời ôi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi?” Ông tự nhủ rằng chính tiếng kêu tuyệt vọng bắt đầu với những chữ: “Đức Chúa Trời tôi ơi”, là một lời khẳng định của đức tin. Ông ngước mắt thuộc linh nhìn qua các từng trời, thấy rõ Đức Chúa Trời vốn là sức lực của ông là nơi ở đời đời của ông, vậy sao ông lại sợ điều chi nữa, hoặc bất cứ ai nữa? Và ông đã hát lên.

Martin Luther, người đã trao lại cho đồng bào mình quyển Kinh Thánh bằng tiếng mẹ đẻ của họ cũng là người phục hồi việc ca hát trong hội chúng, ông sáng tác thánh ca Đức ngữ, soạn hoà âm, khiến âm nhạc thành niềm vui của toàn thể hội chúng thay vì là bổn phận thuần tuý và đơn độc của ca đoàn; ông cũng cho phép cả phụ nữ được đồng ca giữa nơi công cộng là điều đã bị ngăn chặn khỏi họ trong một ngàn năm rồi. Với những lời Thi thiên 46 bùng cháy trong lòng, cuối năm 1529, ông ném sự thách thức của mình vào những kẻ thù, bất kể đó là Giáo hoàng hay nông dân, Sa-tan hay tội lỗi... Qua ngòi bút, ông đã kể lại cuộc chiến đấu của mình trong một thánh ca oai nghiêm nhất đã từng được viết ra. Năm 1853, bài thánh ca đã được Frederick Hedge dịch sang Anh ngữ bài những lời hùng tráng sau đây:

Chúa vốn bức thành kiên cố ta rày
Thuẫn khiên ta che đỡ hằng ngày
Đấng cứu giúp hồi nguy khốn, ưu sầu
Đấng giúp ta luôn thắng nhiệm mầu
Ngày đêm dẫu quân thù xưa, nghịch ta, ta khôn nghiêng ngửa
Tuy nó thâm mưu đa tài quyết chống ta suốt đêm ngày
Quả trên đất không ai địch tày...

Bốn khổ thơ nhắc nhở rằng Thiên Chúa là thành luỹ, Christ là Đấng Quán quân và Sa-tan là kẻ thù của linh hồn; nhưng chiến thắng cuối cùng sẽ thuộc về Đức Chúa Trời, Đấng mà “Vương quốc của Ngài là đời đời”.

Bài thánh ca này đã khích lệ chính Luther cùng nhiều người khác. Người ta đã bảo bài hát ấy như trụ mây và trụ lửa cho nước Đức trong thời kỳ khốn khổ. Mỗi tín hữu phải Cải chánh đều biết và thích hát bài ấy. Các em thiếu nhi lúc vui đùa, người mẹ hiền ngồi bên rổ khâu vá, chiến sĩ nơi tiền tuyến hay người công nhâ khi đổ mồ hôi lao động cũng đã hát lên bài ấy. Người ta đã từng gọi đó là bản quốc thều của nước Đức.

Martin Luther (1483-1546) một trong những anh hùng đức tin nổi tiếng trong lịch sử đã để lại cho chúng ta một di sản lớn lao nhất của ông, đó là những lời và nhạc bài thánh ca “Chúa Vốn Bức Thành Kiên Cố” ấy.
TNPA