Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Da Vinci Code - Sự kiện hay tiểu thuyết ?



Sự ra đời của cuốn sách 'Da Vinci Code' đã gây một tiếng vang trong giới đọc giả, sách bán chạy một cách kỷ lục. Một số Cơ đốc nhân đã lúng túng với những điều Dan Brown đã viết. Xin mời bạn tìm hiểu thêm về thực hư của quyển tiểu thuyết này...


Năm 2003 tiểu thuyết The Da Vinci Code (Mật Mã Da Vinci) của Dan Brown do nhà xuất bản Doubleday Fiction ấn hành đã nhanh chóng được nhật báo The New York Times xếp vào hạng những sách bán chạy nhất. Tính đến tháng 8/2005 cuốn tiểu thuyết trinh thám này đã được dịch ra hơn 40 thứ tiếng (trong đó có tiếng Việt) và tổng số phát hành ở hơn 150 nước lên đến 36 triệu bản, đó là chưa kể hàng trăm nghìn ấn bản có hình. Cuối tháng ba sắp tới, 5 triệu bản bìa mỏng sẽ được nhà xuất bản Anchor Books cho phát hành. Ngoài sách, cuốn tiểu thuyết trinh thám này cũng đã được hãng hãng Columbia dựng thành phim và sẽ trình chiếu lần đầu vào ngày 19 tháng 5, 2006.

Về phương diện thương mại The Da Vinci Code là một thành công lớn, nhưng đây cũng là cuốn tiểu thuyết gây nhiều tranh luận và bị phê phán mạnh mẽ từ các giới Cơ đốc giáo, nhất là từ Công Giáo. Những phê phán này không chỉ liên quan đến nội dung cuốn truyện, nhưng còn vì những khẳng định của tác giả khiến độc giả lầm tưởng rằng đây là thành quả của một công trình khảo cứu lịch sử nghiêm túc, đã phát hiện được những sự thật đã bị che dấu. Tựa đề cuốn truyện dựa trên “sự kiện” cho rằng Leonardo Da Vinci, họa sĩ nổi tiếng người Ý thời Phục Hưng tác giả của nhiều kiệt tác như Mona Lisa, The Last Supper… là thành viên của dòng tu Si-ôn (The Priory of Sion), là nhà dòng được giao trọng trách bảo vệ bí mật về Chúa Giê-xu, và ông ta đã mã hoá những bí mật đó trong các tác phẩm của mình.

Dan Brown xây dựng tiểu thuyết The Da Vinci Code trên luận đề cho rằng trong 1700 năm qua từ thời Constantine, giáo hội Công Giáo đã liên can đến một âm mưu bưng bít câu chuyện thật về Chúa Giê-xu để có thể bảo toàn quyền lực của mình.

Quyển truyện mở đầu bằng cái chết của nhân vật Jacques Saunière, quản thủ bảo tàng viện Louvre ỏ Paris, người đứng đầu Nhà Dòng Si-ôn, là người duy nhất nắm giữ bí mật của giáo hội. Câu chuyện được khai triển qua nhiều tình tiết được đan dệt, dàn dựng công phu, hấp dẫn, đến nỗi nhiều độc giả bảo rằng khi đã cầm lên thì rất khó bỏ xuống. Có người đọc suốt ngày đêm cho đến khi ngốn xong gần 400 trang sách!

Tuy nhiên, chỗ nguy hiểm của cuốn tiểu thuyết này là dụng ý xoá nhòa biên giới giữa sự kiện và hư cấu, giữa lịch sử và tiểu thuyết để làm cho độc giả tin rằng những lời diễn giải, khẳng định của các nhân vật trong truyện là sự thật. Chính Dan Brown trong phần mở đầu đã đưa ra một khẳng định liều lĩnh “Tất cả những mô tả về các tác phẩm nghệ thuật, kiến trúc, tài liệu và các nghi thức mật nhiệm trong cuốn tiểu thuyết này đều chính xác.”

Tác giả đã khôn khéo dựng lên những nhân vật có dáng vẻ đầy uy tín như “giáo sư Tôn Giáo Hình Bóng Học Robert Langdon của Đại Học Havard” và nhất là “ Sir Leigh Teabing,” một sử gia, một học giả Kinh Thánh, và đặt vào miệng những nhân vật này những câu tuyên bố nguy hiểm có khả năng gieo nghi ngờ, thậm chí làm sụp đổ niềm tin của những Cơ-đốc nhân không được trang bị đầy đủ Lời Chúa. Thí dụ như Dan Brown cho nhân vật Sir Leigh Teabing nói, “hầu hết mọi điều cha ông dạy chúng ta về Chúa Cứu Thế đều sai lầm” (The Da Vinci Code trang 235)

Một độc giả viết điện thư cho cơ quan phát thanh Tin Lành RBC Ministries tâm sự rằng, “Tôi không biết phải tìm đến với ai, tôi cầu nguyện xin Chúa giúp tôi! Tôi mới đọc cuốn The Da Vinci Code của Dan Brown. Cuốn sách rất hấp dẫn cho đến khi tôi đọc đến chỗ tác giả nói về giai đoạn khởi nguyên của Cơ-đốc giáo bảo rằng tất cả đều sai lạc và kết luận 

rằng về căn bản, Cơ-đốc giáo tựu trung chỉ là một lời dối trá và là một sự vay mượn các tà giáo. Chuyện những hội kín, bí mật về chén tiệc thánh (the Holy Grail), việc giáo hội thay đổi các sự kiện, bỏ bớt Kinh Thánh. Tất cả những khẳng định đó của tác giả có đúng không?


Nhiều điều tác giả trình bày xem ra rất có lý. Có những điều trước đây tôi từng nghe đồn nhưng bỏ qua, bây giờ tôi cần phải biết rõ. Hơn 25 năm qua tôi tin Chúa có phải là tôi sống trên một lời dối trá không? Chúa Giê-xu có phải là Đức Chúa Trời không hay chỉ là người? Chúa Giê-xu có kết hôn với Ma-ri Ma-đơ-len không? Tất cả những gì tôi được dạy phải tin có phải chỉ là vì tiền bạc không? Tôi cần được biết rõ.

Bây giờ tôi không biết phải đến với ai. Tôi đang sống trong hoài nghi, không biết có thiên đàng, có Đức Chúa Trời, có Chúa Giê-xu không. Xin làm ơn giúp tôi, vì danh Chúa xin giúp tôi! Tôi đang bối rối, đang tan nát cõi lòng và tôi vẫn còn đang khóc.”

Có thể nói bức thư trên đây trong một giới hạn nào đó, là một tiêu biểu cho phản ứng của một số độc giả cuốn The Da Vinci Code. Điều mọi người có thể đồng ý với tác giả bức thư trên là chúng ta cần biết rõ hư thực, tuy nhiên nếu bình tĩnh suy xét và không để cho xúc cảm lôi cuốn, chúng ta sẽ thấy vấn đề rõ hơn và nhiều câu hỏi đặt ra tự chúng sẽ tan tác như rơm rác!

Chúng ta có thể nêu lên một số điểm trong cuốn tiểu thuyết trinh thám này để thấy “công trình” sưu khảo của Dan Brown không nghiêm túc như ông ta đã xác quyết. Trước hết là một khẳng định rất nghiêm trọng của Leigh Teabing về các cổ bản Kinh Thánh khám phá được ở vùng Biển Chết và ở Nag Hammadi, Ai-cập. Có một chỗ nhân vật sử gia này nói rằng, “Đây là những bản chụp của cuộn Biển Chết và cuộn Nag Hammadi tôi đề cập trước đây,” Teabing nói. “Đó là những tài liệu Cơ-đốc sớm nhất, nhưng cái rắc rối là những tài liệu này lại không ăn khớp với các sách Phúc-âm trong Kinh Thánh.” (The Da Vinci Code, trang 245)

Nhận định như thế chưa đủ, Teabing lại quảng diễn thêm, bảo rằng hai bộ tài liệu cổ trên đã “phơi bày những khác biệt và ngụy tạo lịch sử, khẳng định rõ ràng rằng cuốn Kinh Thánh hiện đại đã được đúc kết và biên soạn bởi những người có một mưu định chính trị - đó là thổi phồng thần tính của con người Giê-xu Ki-tô và dùng ảnh hưởng của Ngài củng cố căn bản quyền lực của chính họ” (trang 234-235). Nói cách khác, nhân vật sử gia Teabing này bảo rằng các tài liệu cổ tìm thấy cách đây 50 năm đã phơi bầy quyển Kinh Thánh của Cơ-đốc giáo ngày nay là ngụy tạo và đã bị thay đổi. Đây là một khẳng định hồ đồ, thiếu nền tảng của tác giả The Da Vinci Code. Chúng ta cần xem các cuộn Biển Chết (Dead Sea Scrolls) và các tài liệu cổ ở Nag Hammadi đã minh chứng hoặc phản bác những điều Tân Ước viết về Chúa Giê-xu như thế nào.

Trước hết nói về các cuộn Biển Chết được tìm thấy năm 1947 gồm 225 thủ bản (manuscripts – bản chép tay) Cựu Ước, trong đó 215 cổ bản được tìm thấy trong 11 hang ở Khirbet Quamran gần Biển Chết thuộc Do Thái; 10 cuộn khác tìm thấy ở một địa điểm gần đó là Wadi Murabba ‘al, Nahal Hever và Masada. Các cuộn Biển Chết bao gồm tất cả các sách trong Cựu Ước, chỉ thiếu Ê-xơ-tê. Những cổ bản này có những niên đại khác nhau, trễ nhất là 68 SC và cổ nhất là vào khoảng 250 B.C. và đó là những thủ bản Kinh Thánh cổ nhất. Như vậy Chúa Giê-xu có được đề cập đến trong các cuộn Biển Chết không? Hiển nhiên là không. Cộng đồng tôn giáo ở Qumran thời Chúa Giê-xu không phải là Cơ-đốc nhân nhưng là một nhóm biệt lập của Do Thái Giáo, sống biệt cư trong sa mạc mà một số học giả cho là một phần hay ít ra có liên hệ với nhóm Essenes. Hầu hết các học giả Kinh Thánh đều đồng ý rằng nhóm người này không biết và cũng không đề cập gì  


 đến Chúa Giê-xu. Như vậy, kết luận rõ ràng nhất là các cuộn Biển Chết không phải là “những tài liệu Cơ-đốc” như Dan Brown khẳng định, cho nên vì thế cũng không có chỗ nào để xác định hay phủ định về Chúa Giê-xu hay về Hội Thánh ban đầu. Đúng ra điều Dan Brown cần phải khẳng định đó là những cuộn Biển Chết là bằng chứng mạnh mẽ cho tính chất chính xác và đáng tin của phần Cựu ước trong quyển Kinh Thánh hiện đại.

Khác hẳn với các cuộn Biển Chết là các sách trong Cựu ước (trừ Ê-xơ-tê), những bản văn cổ được tìm thấy ở Nag Hammadi bên Ai-cập vào năm 1945 do một nông dân Ai-cập bán cho một nhà buôn ở cổ thành Cairo lại hoàn toàn không có một sách nào trong Tân ước! Những cổ bản này ghi lại những câu nói và phần ký thuật về Chúa Giê-xu do phái tà giáo Duy Tri (Gnosticism) manh nha từ thế kỷ đầu và phát triển sang thế kỷ thứ hai và thứ ba viết ra. Tà thuyết Duy Tri tìm cách giải thích lại ý nghĩa sứ mạng của Chúa Cứu Thế theo quan điểm triết học ngoại giáo, là điều chính thánh Phao-lô đã cảnh cáo (Ga-la-ti 1: 6-7; Cô-lô-se 2:8).

Duy Tri là một tà giáo nguy hiểm đã xuất hiện rất sớm, và ngày nay qua cuốn tiểu thuyết The Da Vinci Code của Dan Brown, lại có mòi tái xuất hiện. Hiển nhiên với số sách in rất lớn phát hành khắp thế giới, đến tháng 5/2006 lại là bộ phim dựa trên cuốn tiểu thuyết này bắt đầu trình chiếu chắc chắn sẽ tiếp tục gây tác hại cho đức tin của nhiều Cơ-đốc nhân thiếu cảnh giác. Vì vậy chúng ta cần trang bị để không rơi vào lưới bẫy của tà thuyết này.

Có thể nói trong số những kẻ thù vô hình của Hội Thánh, tà giáo là một trong những kẻ thù nguy hiểm hơn hết. Nó nguy hiểm không phải vì tính chất đối kháng với chân lý như giữa trắng với đen, nhưng vì nó có những hình thức rất giống với chân lý mà trong bản chất lại khác. Cái hư hỏng của tà giáo không nhất thiết là hư hỏng về phương diện đạo đức. Trái lại có một số tà giáo rất thành công trong việc duy trì được những tiêu chuẩn đạo đức cá nhân và gia đình rất cao trong một xã hội băng hoại. Tà giáo rất gần với con người, nó nâng tâm hồn và tâm trí con người lên, nhưng là tâm hồn và tâm trí của bản ngã con người thiên nhiên sa đọa! Những người rơi vào vòng tay của tà giáo thường cảm thấy bản ngã được vuốt ve khi nhờ những những luận chứng của nó mà mình được nâng lên.

Trong lịch sử Cơ-đốc Giáo, tà giáo đã xuất hiện rất sớm, đi song song, tiếp xúc rồi âm thầm xâm nhập vào các cộng đồng Cơ-đốc bằng một góc rất nhỏ. Nó thấm nhập vào chân lý, hòa tan trong chân lý và làm biến chất chân lý. Vàng giả không nhất thiết là một miếng đồng, nhưng có thể là thỏi vàng với một lượng bạc nào đó, đã tan chảy, trộn lẫn trong thỏi vàng đến độ phải dùng kỹ thuật phân kim nhiều công phu mới có thể lấy ra hết chất bạc pha. Tà giáo xuất phát từ trong Hội Thánh, do “giáo sư giả” khởi xướng bằng cách kết hợp lý thuyết của con người với giáo lý cứu rỗi thuần túy. Đây là trường hợp của thuyết Duy Tri (Gnosticims) phôi thai từ thế kỷ thứ nhất, phát triển thành một chủ thuyết thịnh hành trong thế kỷ thứ hai và thứ ba. Thuyết này nhấn mạnh đến a) tính ưu thắng của tri thức, nhất là những tri thức thần bí liên quan đến Thượng Đế, b) phương cách đến gần Ngài và c) kinh nghiệm tương giao với Ngài.

Phái này cũng chủ trương sự vật có hai thể loại, thiện và ác- rất gần với quan niệm nhị nguyên (dualism). Những gì thuộc về tinh thần hay tâm linh là thiện lành, còn vật chất là xấu, ác. Dựa trên tiền đề đó, họ kết luận rằng Thượng Đế là sự thiện cho nên Ngài không dính dấp hay liên quan gì đến vật chất. Nghe đến đây, có thể chúng ta thấy cũng “hợp ly,ù” và dường như không có gì quá đáng, vì hiển nhiên Kinh Thánh cũng dạy rằng Đức Chúa Trời là thần. Nhưng rồi chúng ta thấy họ tiến thêm một bước xa hơn nữa, dựa trên suy luận cho rằng vì Đức Chúa Trời là thần linh cho nên phủ nhận sự nhập thể của Ngài nghĩa là phủ nhận Giê-xu là Đức Chúa Trời nhập thể. Họ coi Chúa Giê-xu là một hữu thể thấp kém hơn Đức Chúa Trời, hoặc giả, Ngài chỉ là một cái bóng của Đức Chúa Trời mà 
không thực sự là Đức Chúa Trời. Đây chính là chỗ mặt nạ của tà giáo rơi xuống, dù nó đã rơi xuống một cách nhẹ nhàng, “hợp lý”! 

Thuyết Duy Tri cho rằng con người có linh tánh của Đức Chúa Trời, nhưng linh tánh đó bị nhốt trong thân xác, do đó họ cho rằng cứu rỗi mang ý nghĩa giải phóng khỏi thân xác. Ngày nay chủ trương này vẫn còn hấp dẫn với nhiều người khi họ quá khổ đau với cuộc sống lo miếng ăn, cái mặc, nhất là phải thường xuyên đối phó với đủ thứ bệnh tật khiến cho con người nhiều lúc muốn buông xuôi, muốn kết thúc sự sống để được giải thoát khỏi ngục tù là thân xác. Nhiều năm trước đây đã từng có một nhóm tà đạo chủ trương trút bỏ thân xác để có thể thăng tiến sang một tình trạng mới. Vào tháng 4, 1997, 39 người của nhóm tà đạo Heaven’s Gate theo Herff Applewhite, vốn là con của một mục sư giáo hội Trưởng Lão, đã tự sát tập thể tại Rancho Santa Fe, California, để “thoát ra khỏi thân xác” theo sao chổi Hale-Bopp “đi lên một vương quốc cao hơn!” Như vậy chủ trương thân xác là ngục tù hư xấu khiến cho thuyết Duy Tri không thể chấp nhận được giáo lý phục sinh và cho rằng không thể có thân xác mới. Trong một phương diện, những người Sa-đu-sê thời Chúa Giê-xu cũng đã phủ nhận sự phục sinh như thế.

Thuyết Duy Tri cũng chủ trương con người phải đến gần Đức Chúa Trời, hơn nữa phải tương giao với Ngài. Đây là một tiền đề hiển nhiên không có gì mâu thuẫn với lời dạy của Kinh Thánh, tuy nhiên phương cách đến gần Đức Chúa Trời do tà giáo này đưa ra rất nguy hiểm. Nó có vẻ “hợp lý” nhưng thực tế lại đưa con người đi thật xa chân lý. Họ cho rằng Đức Chúa Trời ở rất xa, trong khi con người bị giới hạn trong thân xác không thể đến gần Ngài, do đó cần phải nhờ các thiên sứ làm trung gian. Chúa Giê-xu cũng là một thiên sứ, nhưng vì có thân xác cho nên thuộc thứ bậc thấp nhất, gần với con người nhất. Sau khi nhờ Chúa Giê-xu, con người còn phải qua nhiều trung gian khác là các thiên sứ ở những cấp bậc cao hơn. Vì vậy tà giáo này đã chủ trương thờ thiên binh, thiên sứ (Cô-lô-se 2:18), là điều Chúa minh thị nghiêm cấm.

Tà giáo Duy Tri cũng chủ trương để có cuộc sống sung mãn, con người phải tìm cách tương giao với Đức Chúa Trời. Đây cũng lại là một tiền đề hợp lý. Tuy nhiên để thực hành, tà giáo này lại dẫn con người đi vào những con đường quanh quẹo khác. Họ bảo rằng vì Đức Chúa Trời là thần linh thiện hảo, trong khi đó thân xác con người là vật chất hư xấu cho nên chỉ có phần tâm linh thiện lành của con người tương giao với Ngài mà thôi. Vì đời sống thân xác bị coi là hư xấu cho nên tà giáo này dạy con người phải chế ngự thân xác bằng nhiều hình thức lễ nghi phiền toái, bằng kỷ luật cá nhân, bằng những qui định kiêng cữ theo lối khắc kỷ... mới có hy vọng đạt được tương giao với Đức Chúa Trời. Nhắc lại những điều này chúng ta không thấy có gì mới, vì trong thực tế những giáo điều như thế đầy dẫy trong các tôn giáo ngày nay.

Trong bối cảnh của một hội thánh bị tà giáo tấn công như thế, Phao-lô từ chốn lao tù ở thành Rô-ma, đã viết cho cộng đồng tín hữu tại Cô-lô-se, đưa ra những lời dạy rõ ràng đối với những quan niệm nguy hiểm phái Duy Tri nêu lên, cùng những chỉ thị rõ ràng về những truyền thống thực hành chịu ảnh hưởng của tà giáo mà ông gọi là “triết học và lời hư không, theo lời truyền khẩu của loài người, sơ học của thế gian... qui tắc, đạo lý loài người... thờ lạy theo ý riêng...khắc khổ thân thể...” (Cô-lô-se 2:8, 23). Khi nói về thần tánh của Chúa Giê-xu, cuốn tiểu thuyết The Da Vinci Code bảo rằng Giê-xu chỉ là một người thường, lập gia đình và có con với Ma-ri Ma-đơ-len. Thần tánh chỉ được hoàng đế Constantine khoác lên cho Giê-xu vào đầu thế kỷ thứ tư qua công đồng Nicaea năm 325 SC, vì quyền lợi chính trị. Còn trước đó, ngay cả môn đồ của Giê-xu cũng không ai tin rằng Giê-xu có thần tính, cùng lắm thì chỉ là một tiên tri hay một vĩ nhân! Đây là một trong những “khám phá” kinh khủng của The Da Vinci Code, bất chấp những bằng chứng lịch sử đã được thiết định từ khởi đầu kỷ nguyên Cơ-đốc. Dan Brown còn khẳng định rằng khi hoàng đế Constantine quyết định khoác áo thần tính cho Chúa Giê-xu, ông ta cũng đồng thời ra lệnh gom góp và thiêu hủy tất cả những tài liệu khác không cùng quan điểm, chỉ sót cuộn sách tìm được ở Nag Hammadi, Ai-cập năm 1945 mà nhân vật “sử gia Teabing” bảo đó là “những cuộn thất lạc của Kinh Thánh.” Thật ra đây chỉ là tập hợp một số tài liệu cổ do một tà giáo chủ trương thần bí là phái Duy Tri đã nói ở trên sao chép, bao gồm “Những Mật Thư của Gia-cơ,” và “Phúc-âm Theo Thô-ma.” Cả hai tài liệu này xuất hiện từ thế kỷ thứ hai, hoàn toàn lạc lõng và xa lạ khi đối chiếu với các sách Phúc-âm trong Kinh Thánh. 

Ngày nay chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều nỗ lực khác nhằm lung lạc đức tin Cơ-đốc theo dạng cuốn tiểu thuyết trên. Chúng ta cần được trang bị bằng một kinh nghiệm sống động với Chúa và Lời Ngài. Việc này đòi hỏi thời gian, kiên trì và kỷ luật rồi chúng ta sẽ được tưởng thưởng. Người ta bảo rằng muốn phát hiện đồng tiền giả, chỉ cần biết rõ đồng tiền thật. “Tiền giả” ngày nay rất nhiều chúng ta không đủ thì giờ, cũng không có công sức đâu tìm hiểu. Chúng ta chỉ có đủ thì giờ tập trung vào Lời Chân Lý. Nguyên Đình

Tài liệu tham khảo:
- Mart De Haan, Been Thinking About The Da Vinci Code - RBC Ministries June 2005.
- WikiPedia, The DaVinci Code.
- Craig L. Parshall, Scrolls, Souls and The DaVinci Effect. Israel My Glory. Jan./Feb. 2006.
- Dannis Fisher, Separating Fact from Fiction. RBC Ministries.
( Trích Từ: Tinlanhlibrary.com)