Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2011

Vương Quốc, Quyền Năng, Vinh quang--4

VƯƠNG QUỐC VÀ THẬP TỰ GIÁ.
Chúng tôi đã giải thích rằng chữ “Vương quốc” có nghĩa sự cai trị tối thượng của Đức Chúa Trời, và vì cớ câu “Vương quốc của Đức Chúa Trời” rất thường xảy ra trong Tân ước, tôi chắc rằng không ai sẽ nghĩ rằng sự cai trị tối thượng của Đức Chúa Trời đã chỉ khởi sự trong thời Tân ước mà thôi. Vương quốc Đức Chúa Trời tức sự cai trị tối thượng của Đức Chúa Trời, có 3 giai đoạn trong Kinh Thánh, và có 3 thì quá khứ, hiện tại và tương lai.


QUÁ KHỨ
Vương quốc Đức Chúa Trời hay sự cai trị tối thượng của Đức Chúa Trời cũng hiện hữu nhiều trong Cựu ước như Tân ước, dù hình thức đó khác hình thức Vương quốc trong Tân ước. Trong quá khứ đó là Vương quốc bề ngoài và tạm thời. Khi ấy Vương quốc Đức Chúa Trời là điều phải xử sự theo lối bề ngoài, với các Vương quốc của thế giới này. Đức Chúa Trời vẫn cai trị ở giữa và trên các dân tộc của thế giới này, và theo một nghĩa, các dân tộc của thế giới này đã trực tiếp ở dưới một điều gọi là chế độ thần quyền. Anh em cần nhớ lại những gì Nêbucátnếtsa đã nói về điều này, và Đa niên đã bảo các vua ngoại bang ấy rằng họ phải học biết rằng Đức Chúa Trời cai trị trong các Vương quốc của loài người. Nên trong quá khứ sự cai trị tối thượng của Đức Chúa Trời ở trên các dân tộc. Lý thú làm sao khi chúng ta nghiên cứu thế nào Đức Chúa Trời đã từng xử lý các dân tộc, nếu vậy chúng ta cần một pho sách lớn ghi chú!
Nhưng trong Cựu ước, đang khi sự cai trị tối thượng của Đức Chúa Trời là trên các dân tộc, nhưng sự cai trị đó tập trung và liên hệ đến một dân tộc – Ysơraên. Anh em nhớ rằng khi Ysơraên cầu xin một vị vua “giống như các dân tộc”, Samuên đã rất khốn khổ, kêu la cùng Chúa. Chúa phán “chúng đã không loại bỏ ngươi, nhưng loại bỏ Ta, không cho Ta làm Vua của chúng”.
Dù vậy Vương quốc trong Cựu ước chỉ là một cái bóng, một sự dự biểu về Vương quốc sắp đến. Đó là một đề tài khác, chúng tôi chỉ nói qua sơ lược, nhưng anh em nhớ rằng vào ngày ngũ tuần, Phierơ đã bảo cùng dân chúng rằng Đavít là một hình bóng về Chúa Jésus.

HIỆN TẠI
Bây giờ chúng ta bước vào giai đoạn hiện tại – phương diện hiện tại của Vương quốc, xảy ra chung với Chúa Jésus. Jésus phán: “Vương quốc của Đức Chúa Trời đã đến gần các ngươi” (Luca 10:9) và “Vương quốc của Đức Chúa Trời ở giữa các ngươi” (Luca 17:21). Sự thay đổi là Vương quốc từ bên ngoài nay đã vào trong – trong thời kỳ phân phát này sự cai trị thống trị của Đức Chúa Trời đang ở giữa vòng chúng ta. Jésus đã rao giảng Vương quốc Đức Chúa Trời liên hệ với chính Ngài. Trong chính thân vị Ngài, sự cai trị thống lĩnh của Đức Chúa Trời đã vào thế giới này, và Ngài đã minh chứng cho Vương quốc bằng nhiều dấu kỳ, phép lạ năng quyền. Ngài phán,” nếu Ta, nhờ ngón tay của Đức Chúa Trời đuổi các quỉ, khi ấy Vương quốc của Đức Chúa Trời đã đến trên các ngươi rồi” (Lu 11:20). Nhưng sinh hoạt thế hạ của Chúa Jésus chỉ là một thời kỳ tạm thời.
Vào ngày ngũ tuần Vương quốc đã đến thế giới này trong quyền năng, và thời kỳ phân phát này là sự gia tể của Vương quốc ở giữa chúng ta. Đây là thời kỳ phân phát Đức Thánh Linh, có liên hệ đến Vương quốc của Đức Chúa Trời.

TƯƠNG LAI.
Chúng tôi chỉ nhìn thoáng qua phương diện tương lai, và rồi chúng tôi sẽ trở lại hiện tại. Vương quốc của Đức Chúa Trời đang trên đà tiến triển trong thời kỳ phân phát này, còn trong tương lai Vương quốc sẽ ở trong sự đầy đủ và tối chung. Sau khi Chúa tái lâm, phương diện thứ ba của Vương quốc sẽ bắt đầu. Mọi dân tộc sẽ họp lại để chịu xét đoán, và mọi điều chi nghịch với ý chỉ Đức Chúa Trời đều sẽ bị loại ra khỏi cõi sáng tạo này. Sau đó có trời mới và đất mới, khi sự công nghĩa sẽ bao trùm địa cầu như nước đầy tràn biển. Trong sách khải thị, chúng ta có tiếng kêu: “Bây giờ Vương quốc của Đức Chúa Trời chúng ta và quyền bính của Đấng Christ Ngài đã đến…” (12:10).

QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI
ĐƯỢC TẬP TRUNG TRONG THẬP TỰ GIÁ.
Nhưng mọi điều này, quá khứ, hiện tại và tương lai đều tập trung trong một điều. Sự thống trị của Đức Chúa Trời, hay Vương quốc của Đức Chúa Trời được tập trung trong thập tự của Chúa Jésus Christ. Để thực hiện đầy đủ Vương quốc này, mọi sự của quá khứ đã từng chuyển động hướng về thập tự giá. Anh em có ghi nhận rằng mỗi chuyển động thống trị mới mẻ của Đức Chúa Trời trong Cựu ước đều được đánh dấu bởi thập tự giá chăng? Trải qua toàn bộ Cựu ước bàn thờ làm tượng trưng cho thập tự giá, nên anh em có một bàn thờ với Abên, một bàn thờ với Nôê, với Ápraham, với Ysơraên. Mỗi cuộc chuyển động của Đức Chúa Trời đều được đánh dấu bằng bàn thờ, hay thập tự giá, tất cả đều chỉ đến bàn thờ lớn – thập tự giá của Chúa Jésus Christ, còn mọi cuộc chuyển động tương lai trong tối thượng quyền của Đức Chúa Trời đều bắt đầu và khởi diễn từ thập tự giá.
Tôi muốn anh em nắm được lẽ thật này. Không có cuộc chuyển động nào của Đức Chúa Trời ở bất cứ thời điểm nào, hướng về bất cứ sự việc nào mà không dựa vào nền tảng của thập tự giá. Anh em có muốn tiến lên với Đức Chúa Trời chăng? Vậy anh em phải học thêm đôi điều về thập tự giá. Anh em có muốn tiến thêm một bước nào dưới sự cai trị của Đức Chúa Trời chăng? Tốt lắm, anh em phải học thêm đôi điều về thập tự giá. Chuyển động của Đức Chúa Trời tiến lên chung với  Ngài luôn luôn theo con đường thập tự.
Chúng ta phải học thuộc sự kiện đó, và để giải thích thêm chúng ta phải trở lại báp têm của Chúa Jésus. Anh em nhớ Giăng Báp tít đang làm báp têm tại sông Giô-đanh, Chúa Jésus đến gần, yêu cầu Giăng báp têm cho Ngài. Giăng nói:” Tôi cần Ngài làm báp têm, mà Ngài lại đến cùng tôi. Nhưng Jésus đáp rằng: bây giờ hãy làm đi, vì chúng ta đáng phải làm trọn mọi sự công nghĩa như thế” (Mathiơ 3:1-15). Giăng đã làm báp têm cho Ngài. Rồi có chép rằng Jésus lên khỏi nước, các từng trời đã mở ra, Đức Thánh Linh đã lấy hình chim bồ câu ngự trên Ngài, có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của ta, ta vui lòng người”. Phúc âm Mathiơ là phúc âm của Vương quốc.
Chúng ta có gì tại báp têm của Jésus? Chúng ta có 4 điều. Và tôi có thể nói rằng 4 điều này áp dụng  cho chúng ta như đã áp dụng cho Chúa Jésus. Chúng có một ý nghĩa đặc biệt trong trường hợp của Ngài, nhưng nguyên tắc áp dụng cho chúng ta. Đó là những gì Tân ước dạy dỗ. Bốn điểm chúng ta có là:
1- Vị vua được nhận diện:
Trước hết, vị vua được thiên đàng nhận diện: “Có tiếng từ trời phán rằng: đây là Con yêu dấu ta”, là vị vua được chỉ định của vũ trụ, vị vua đã được hứa từ xưa, là Con người mà Đức Chúa Trời đã giao thác cho quản trị thế giới này. Thiên đàng nhận diện vị vua này. Đức Chúa Trời và thiên đàng đã nêu Ngài: “Đây là…”.Có một lượng bao la tập trung trong các lời đó: “Con Ta”! Cần cả cõi vĩnh cửu mới hiển cạn câu đó. Phao lô nói rằng chúng ta đã được “giải cứu khỏi quyền bính của sự tối tăm, và dời chúng ta vào Vương quốc Con yêu dấu của Ngài”, và đó là tại sao tôi nói rằng điểm này cũng áp dụng cho chúng ta, vì chúng ta đã được chuyển vào Vương quốc của Con này.
2- Vị vua phó thác chính mình.
Thứ hai, Vua phó thác chính mình, và tại đó anh em có chính trọng tâm ý nghĩa báp têm của Ngài. Đây là sự phó thác lớn lao của vị vua để thu đoạt Vương quốc, và Vương quốc là Vương quốc của ý chỉ Đức Chúa Trời. “Vương quốc Cha đến, ý chỉ Cha được thành tựu trên đất như trong trời” (Math 6:10). Jésus đã đứng tại Giô-đanh, Chân Ngài trên đất còn trời ở bên trên Ngài.Ngài liên kết trời và đất trong chính vị phẩm Ngài: “nhưng Chúa đã sắm sửa cho tôi một thân thể rồi… Hỡi Đức Chúa Trời, này tôi đến – để làm theo ý chỉ Chúa” (Hê 10:5,7). Dùng các lời của Phao lô, chính Ngài trình dâng thân thể mình như “một sinh tế cho Đức Chúa Trời” (La mã 12:1). Ý nghĩa của một thân thể là gì? Thân thể không vì tôi hay anh em. Trừ khi Chúa đến, thân thể này sẽ đặt vào hòm và đem chôn, nhưng tôi sẽ không ở trong hòm. Tôi sẽ ở với Chúa, đó là hi vọng của tôi. Nhưng thân thể này là gì? Đó là một cái bình mà đôi điều thực hiện trong đó cho Đức Chúa Trời, và vì vậy thân thể được ban cho chúng ta vì một nhiệm mạng. Ô, ma quỉ đang sử dụng thân thể loài người cho một nhiệm mạng quỉ quái tức các bình đánh cắp từ Đức Chúa Trời là dường nào! Nên thân thể là một cái bình vì một nhiệm mạng, và nhiệm mạng đó là ý chỉ Đức Chúa Trời ở tại đây như ở trong trời. Vậy thân thể là một phương tiện mà một sứ mạng phải được thành toàn trong đó, và đang khi chịu báp têm Chúa Jésus đã trình dâng thân thể mình cho sứ mạng lớn lao này mà Ngài đã đến để làm trọn. Đang khi Ngài xuống nước sông Giô-đanh, Ngài ngụ ý: “Từ nay, Ta chết đối với mọi điều trừ ra ý chỉ Đức Chúa Trời”, còn khi Ngài lên khỏi nước Ngài ngụ ý: từ nay đối với ta đời sống chỉ là phương tiện cho ý chỉ của Đức Chúa Trời, chớ không có gì khác”. Ngài đã được biệt riêng, dâng hiến và thánh hóa cho ý chỉ Đức Chúa Trời.
Vị vua đã được nhận ra: Vua giao phó chính mình. Anh em thấy, đây là Vương quốc Đức Chúa Trời. Nó được tạo thành bởi những kẻ đã hoàn toàn giao phó chính mình cho Đức Chúa Trời. Mọi anh em đã hoàn toàn giao thác chính mình cho Đức Chúa Trời chăng? Anh em đã đến điểm là không còn trở lại đường cũ chăng? Anh em có một đời sống giao thác chăng? Có bao giờ anh em thưa cùng Chúa:” Chúa ôi, con dâng tất sinh” hay anh em vẫn còn vài sợi dây neo? Anh em đẩy thuyền mình ra khơi một khoảng, nhưng còn dây neo vào bờ, hầu nếu gặp bão tố anh em có thể dễ dàng thối lui vào bờ. Khi Jésus đã chịu báp têm, Ngài đã chặt mọi dây thừng. Ngài đã hoàn toàn giao thác cho Cha Ngài.
3- Vị vua được xức dầu.
Điều thứ ba: trên lập trường giao thác của Ngài, sự xức dầu bởi Đức Thánh Linh.
Theo Kinh Thánh sự xức dầu đặc biệt liên hệ đến nhiệm mạng. Sự ban cho Đức Thánh Linh dựa trên lập trường dâng hiến trọn vẹn. Không có hai công tác của Đức Thánh Linh, đó là không chỉ có một Đức Thánh Linh để làm một cơ đốc nhân rồi Đức Thánh Linh khác để làm một công nhân cơ đốc. Đức Thánh Linh là một và chỉ một đích điểm. Ngài chỉ được ban cho vì nhiệm mạng. Anh em biết rằng điều đó đã được tuyên bố cách xác định trong sách Sứ đồ. Lần kia một cậu bé bị người ta hỏi xem cha nó có phải là một cơ đốc nhân chăng. Cậu bé đáp: “Vâng, tôi nghĩ cha tôi là một cơ đốc nhân, nhưng bây giờ ông không làm việc”. Tại Anh quốc hôm nay có hơn nửa triệu dân thất nghiệp, còn cơ đốc nhân thất nghiệp không có trong tâm trí Đức Chúa Trời. Anh em Cô rinh tô không phải là các cơ đốc nhân thật tốt, nhưng vị sứ đồ nói với họ, “Đấng đã thiết lập chúng tôi vững vàng với anh em trong Christ, đã xức dầu chúng tôi, là Đức Chúa Trời” (II Cô 1:21).
Sự xức dầu của Đức Chúa Trời là vì nhiệm mạng. Tôi không thề thuật cho anh em những gì có ý nghĩa cho tôi khi tôi đã nhận thức điều này nhiều năm trước. Tôi đã muốn làm tôi tớ của Đức Chúa Trời, nhưng có đủ mọi việc làm cho tôi nhận thấy rằng tôi không thích hợp. Công tác của Đức Chúa Trời là một điều rất trọng đại. Tôi biết các ân tứ có cần cho công tác Đức Chúa Trời, nhưng tôi không có mọi điều mà tôi cảm thấy là cần thiết. Tôi chưa hề có lợi thế nào mà tôi nghĩ đáng phải có. Tôi có xu hướng đọc các sách tiểu sử, tôi đọc các tiểu sử những người đã được Đức Chúa Trời đại dụng. Nhưng tôi không thể đọc tiểu sử nào cho hết nếu tôi không thấy họ đã có một gia thế cơ đốc diệu kỳ. Cha, ông nội người ấy phải là người kỉnh kiền, ông ta phải thừa hưởng tính kỉnh kiền của họ, và có khả năng lớn để làm tôi tớ Đức Chúa Trời. Tôi không mưốn tỏ cho anh em biết rằng tôi đã bỏ dỡ không đọc xong rất nhiều tiểu sử. Tôi nhủ thầm: tôi không thể làm một tôi tớ lớn của Đức Chúa Trời. Rồi tôi đã khám phá Đức Thánh Linh và đã đến chỗ thấy rằng Ngài khiến chúng ta như vậy. Theo bản chất để chúng ta cần Ngài. Đức Thánh Linh là phần phụ trội cho tôi. Tôi chỉ cần dâng thân thể mình làm sinh tế, Đức Thánh Linh sẽ chu toàn mọi điều khác. Ô khám phá này có ý nghĩa cho tôi là dường nào! Xin đừng hiểu lầm tôi. Tôi không nói rằng tôi đã trở nên một tôi tớ lớn của Đức Chúa Trời, nhưng tôi chỉ nói rằng nếu Chúa đã có làm điều gì với tôi, ấy là Đức Thánh Linh đã làm chớ không phải tôi. Đó là sự xức dầu giúp chúng ta đủ tư cách cho nhiệm mạng.
Có một tuyên bố kỷ diệu về Jésus, và tôi tưởng là rất diệu kỳ khi anh em nghĩ Jésus là Ai. Có chép: “thế nào Đức Chúa Trời lấy Thánh Linh và quyền năng xức dầu cho Jésus ở Na xa rét, rồi Ngài trải khắp nơi làm lành và chữa mọi kẻ bị ma quỉ áp chế” (Sứ 10:38). Thậm chí Jésus đã tùy thuộc vào sự xức dầu, Jésus mới khởi sự sứ mạng của Đức Chúa Trời. Đầu phúc âm Mác chép: “Jésus đến Galilê, rao giảng phúc âm Đức Chúa Trời mà rằng: kỳ đã trọn Vương quốc Đức Chúa Trời đã đến gần, các ngươi hãy hối cải và tin phúc âm” (Mác 1:14-15). Ngay sau khi báp têm và xức dầu, Ngài đã bắt đầu sự cung phụng mình về Vương quốc Đức Chúa Trời.
4- Vị Vua ra trận.
Ngay sau khi Jésus đã giao phó chính mình, chịu báp têm và xức dầu bằng Thánh Linh, Ngài đã được điều động vào đồng vắng chịu Ma quỉ cám dỗ. Ý nghĩa của báp têm là giao thác, hiến dâng và xức dầu, là sắp bị Vương quốc khác thách thức. Jésus phán: “Bá chủ thế giới này đến” (Giăng 14:30), và bá chủ thế giới này, lãnh tụ của Vương quốc khác đã đến cùng Ngài trong đồng vắng. Quyền trị vì của Jésus bị toàn bộ Vương quốc của Satan thách thức và tranh luận.
Hãy chú ý điểm này, Chúng tôi nói rằng Jésus đã hiến dâng chính mình cách trọn vẹn cho Cha. Ngài giữ lập trường: “không phải ý muốn Con, nhưng ý chỉ Cha, không phải Con nhưng Cha”. Ma quỉ tấn công điểm nào? Vào sự sống bản ngã. Tự kỷ lưu tâm, tự thương xót, tự nhận thức, bản ngã trong mọi hình thức, và mọi hình thức của sự sống bản ngã đều bao gồm trong ba sự cám dỗ trong đồng vắng. Tôi chỉ xin đưa ra các điểm chính như vậy.
“Ngươi đã được xức dầu bằng Thánh Linh và vì vậy đã được ban cho quyền năng thần thượng hãy dùng các ban tứ thần thượng ấy cho các cứu cánh riêng của ngươi!”. Anh em cứ xem lại ba sự cám dỗ đó và anh em sẽ thấy tóm tắt như vậy. “Ngươi bảo rằng là ngươi Con Đức Chúa Trời, vì vậy ngươi đã ở vào một địa vị rất lớn. Hãy dùng địa vị ấy cho vinh quang riêng của ngươi! Ngươi có một tham vọng và khải tượng về sự cai trị toàn thế giới. Ngươi đã giao thác cho Vương quốc Đức Chúa Trời. Hãy dùng địa vị mình để làm cho thế giới nhìn nhận, nhưng Jésus ơi, hãy nhớ ngươi sẽ không bao giờ được thế giới nhìn nhận nếu ngươi không thỏa hiệp với ta, thờ phượng ta, ta sẽ ban mọi nước của thế giới này cho ngươi”, Satan nói như vậy.
Dù anh em có thể không nhìn nhận các phương diện và các sự áp dụng khác nhau, xin cho tôi biết, há trận chiến của chúng ta với Ma quỉ không tập trung vào sự sống bản ngã mình hay sao? Ma quỉ không đến khi mang đuôi dài hay miệng phun lửa. Hắn đến và thì thầm: “Hãy suy nghĩ về ngươi. Đáng buồn cho ngươi lắm”, hay trong ngàn cách khác, miễn sao hắn làm ta tự kỷ lưu tâm. Anh em đừng quên rằng Jésus đã bị cám dỗ như vậy. Tôi tớ lớn nhất của Đức Chúa Trời là Jésus, và Ngài đã chịu cám dỗ như vậy.
Đường lối duy nhất để vượt qua, con đường chiến thắng duy nhất, và con đường duy nhất của “Vương quốc, quyền năng và vinh quang thuộc về Cha” là thập tự giá. Tôi đã chỉ giảng về thập tự giá trải nhiều năm rồi. Tôi tưởng tôi đã biết phần nào về ý nghĩa của thập tự giá và tôi đã luôn nói về điều đó. Nhưng ngày nay, sau nhiều năm học tập về thập tự giá, tôi phải nói cùng anh em rằng trận chiến này với sự sống bản ngã còn khắc nghiệt hơn trước đây nhiều.
Những người nam và nữ mà đã từng được Đức Chúa Trời đại dụng và có quyền năng Đức Chúa Trời nhiều hơn hết là các người nam và nữ biết thập tự giá nhiều hơn hết. Vương quốc, quyền năng và vinh quang đều tập trung trong thập tự giá, và thập tự giá càng lúc càng áp dụng cho sự sống bản ngã.