Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

ÂN ĐIỂN ĐẶC BIỆT VÀ ÂN ĐIỂN DỰ TRỮ



Bài Nói Chuyện
Của Watchman Nee

Hỏi: Lý do gây ra tình trạng nghèo nàn trong đời sống các Cơ-đốc là gì? Làm thế nào một Cơ-đốc nhân có được [ân điển] dự trữ trước mặt Đức Chúa Trời?

Đáp: Trong Khải-thị chương 3, Chúa nói: "Ngươi... nghèo nàn" (c. 17). Chúa nói những lời này với hội-thánh tại Lao-đi-xê. Sự nghèo nàn này ngụ ý không có gì được tích trữ, không những chỉ  
về sự thiếu thốn tạm thời, mà còn là sự thiếu thốn liên tục.

NAN ĐỀ CƠ BẢN

Nhiều anh chị em có một nan đề cơ bản: [Đời sống thuộc linh của] họ được duy trì nhờ kinh nghiệm ân điển đặc biệt. Đó là một nan đề nghiêm trọng. Họ lệ thuộc vào những sự cung ứng ân điển tạm thời, chứ không có một khải thị mà họ đã thấy "cách đây mười ba năm". Trước đây, chúng ta đã nói công việc của Đức Chúa Trời trong đời sống chúng ta hoàn toàn là công việc của ân điển. Nếu Ngài cất ân điển khỏi chúng ta, đời sống chúng ta sẽ hoàn toàn trống rỗng. Đó là một sự thật chúng ta cần nhận thức. Tuy nhiên, một sự thật khác là Đức Chúa Trời không muốn thấy con cái Ngài không có chút ân điển nào tích chứa lại. Ngài không muốn họ lệ thuộc vào sự can thiệp của ân điển đặc biệt để được gìn giữ trong ý muốn Ngài. Ngài không đẹp lòng nếu con cái Ngài sống qua ngày nhờ ân điển đặc biệt. Ngài ao ước chúng ta tích chứa một lượng ân điển phong phú.

Nhiều người không có sự tích chứa ấy. Do đó, Đức Chúa Trời bảo chúng ta kiêng ăn và cầu nguyện. Trong Ma-thi-ơ 17:21, Chúa phán rằng một số quỉ chỉ có thể bị đuổi ra nhờ cầu nguyện và kiêng ăn. Ngài bảo các môn đồ là họ cần có sự cầu nguyện và kiêng ăn đặc biệt, nếu không, họ không có quyền năng cần thiết. Các Cơ-đốc nhân lưng không thắt lại, không có sự kiểm chế, linh còn buông lỏng, là những người không có cách nào khác hơn phải sống nhờ sự ban phát ân điển đặc biệt. Nếu mới đến với Chúa, chúng ta sống nhờ ân điển đặc biệt thì có thể châm chước, nhưng sau khi đã tin Chúa một hai năm, nếu chúng ta vẫn lệ thuộc vào loại ân điển ấy, thì điều đó bày tỏ một tình trạng nghèo nàn và bệnh hoạn. Sự nghèo nàn này là hậu quả của việc sống nhờ ân điển đặc biệt mà không có ân điển dư dật hay dự trữ.

Giàu có là gì? Giàu có là trái nghĩa với nghèo nàn. Giàu có thuộc linh nghĩa là có ân điển dự trữ trước mặt Đức Chúa Trời và không lệ thuộc vào ân điển đặc biệt. Sự nghèo nàn bị xua tan bởi ân điển dư dật ở bên trong.

PHAO-LÔ CÓ ÂN ĐIỂN DỰ TRỮ

Một ngày kia, vài người trong chúng tôi nói chuyện với nhau về các Thư tín Phao-lô gửi cho người Cô-rin-tô. Về phần mình, tôi tin rằng khải thị lớn lao nhất về sự sống trong toàn bộ Tân Ước là khải thị trong các Thư tín gửi cho người Cô-rin-tô. Thư Cô-rin-tô thứ nhất và thứ nhì có một vị trí đặc biệt. Đó là hai bức thư duy nhất bày tỏ cho chúng ta thấy con người của  Phao-lô. Trong thư gửi cho người Rô-ma, ông bày tỏ vấn đề cứu rỗi một cách sâu  xa, và trong thư gửi cho người Ê-phê-sô, ông bày tỏ khải thị sâu xa nhất. Tất cả những điều này đều đến từ Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, nếu muốn biết con người của Phao-lô, chúng ta phải đến với Thư Cô-rin-tô thứ nhất và thứ nhì. Chỉ hai sách này cho chúng ta một sự hiểu biết rõ ràng về Phao-lô, chúng bày tỏ chính con người của ông cho chúng ta.

Nhiều người không thể cung ứng lời Đức Chúa Trời nếu không có sự cảm thúc. Nếu khi nào họ không có một sự cảm thúc tươi mới, lời của họ ngưng lại. Nguồn chức vụ lời của họ là sự cảm thúc của họ. Sự thật là chúng ta cần có sự cảm thúc nếu chúng ta phải có một chức vụ. Điều ấy không có gì sai lầm. Tuy nhiên, xin nhớ kỹ sự thật này, đó là sự cảm thúc không được ban cho chúng ta như một dòng tuôn chảy liên tục. Thậm chí trong trường hợp mười hai sứ đồ đầu tiên và trong trường hợp một người như Phao-lô, sự cảm thúc không liên tục. Trong một trường hợp, ông nói: "Tôi không có mạng lệnh của Chúa" (1 Côr. 7:25a). Ông không có một lời từ Chúa, Chúa không nói gì cả. Chúa không nói điều đó, mà là ông nói. Nói cách khác, ông không có khải thị, sự cảm thúc thuộc linh, hay một lời tươi mới nào từ Chúa.

Nhưng có một điều lạ lùng ở đây. Phao-lô nói: "Nhưng tôi cho ý kiến tôi như là người đã nhận được sự thương xót của Chúa để làm người trung tín" (c. 25b). Phao-lô bày tỏ sự phán đoán riêng của mình. Ông đã làm một điều kinh khủng. Gần hai ngàn năm qua, các nhà thần học rất sợ đụng đến những lời này của Phao-lô, nhưng Phao-lô biết điều ông nói. Khi không có sự cảm thúc tức thì, ông vẫn có thể nói.

Đối với những người khác, nói mà không có sự cảm thúc là tự phụ. Khi không có sự cảm thúc, họ không có lời vì họ không có dư dật ân điển dự trữ. Đức Chúa Trời chỉ ban cho họ đủ ân điển dành cho ngày hôm nay. Loại người này không có một lời khi họ không có sự cảm thúc tức thì vì họ nương cậy vào ân điển đặc biệt để đáp ứng nhu cầu hiện tại của mình. Không có ân điển đặc biệt, họ không có gì để nói.

Tuy nhiên, ở đây chúng ta có một người có lời khi không có sự cảm thúc tức thì. Lời của Phao-lô là Lời của Đức Chúa Trời. Thánh Linh chọn lời ấy và đặt vào Kinh Thánh, chúng ta tin đây là sự sắp đặt của Đức Chúa Trời. Phao-lô lặp lại vài lần rằng đó là lời của ông, không phải lời của Chúa. Tuy nhiên, khi ông nói, ông bày tỏ rằng dường như lời ấy không phải là lời của ông, và ông kết luận như sau: "Tôi tưởng tôi cũng có Linh của Đức Chúa Trời" (c.40). Điều này rất quí báu. Ông được Thánh Linh cảm động một cách không ý thức. Một số người luôn luôn sẵn sàng khẳng định rằng Linh đang cảm động họ. Tôi e rằng chính sự kiện họ kinh nghiệm sự cảm thúc tức thì của Thánh Linh thể hiện tình trạng thiếu [ân điển] dự trữ của họ. Được Thánh Linh cảm động cách không ý thức là điều tốt hơn. Những người nông cạn thường tin chắc mình được Thánh Linh cảm động, trong khi những người có [ân điển] dự trữ không biết mình có thật sự được cảm động không. Họ hỏi: "Làm sao tôi có thể nói đây không phải lời Chúa? Đây là lời Chúa".

Ở đây chúng ta tìm thấy một nguyên tắc. Phao-lô có một điều gì khác hơn là sự cảm thúc tức thì. Ông có một sự tích trữ ngoài sự cảm thúc tức thì. Ông có sự tích trữ này vì ông đã theo Chúa nhiều năm, ông đã bị hạn chế, ông đã tránh tội lỗi và sự thất bại. Suốt nhiều năm, ông đã học tập kính sợ Chúa. Trải qua những năm ấy, nhiều điều được tích tụ trong ông. Mặc dầu không có một sự cảm thúc tức thì, nhưng ông vẫn có nhiều điều để nói. Đó là sự dự trữ của ông, hay nói cách khác, đó là sự giàu có của ông. Không có Thư tín nào khác bày tỏ con người của Phao-lô cho chúng ta như những thư gửi cho người Cô-rin-tô. Ông cho chúng ta biết ông chỉ bày tỏ sự phán đoán của cá nhân mình; ông không có một sự cảm thúc cụ thể từ Chúa. Tuy nhiên, chúng ta khám phá những gì ông nói thật là một khải thị cho hội Thánh. Đây là một người phát biểu lời của mình, và những lời ấy được ghi lại trong Kinh Thánh như lời của Đức Chúa Trời. Điều này chạm đến đỉnh điểm của Tân Ước, là tình trạng một người được gây dựng, gọt dũa, luyện lọc, và cấu tạo bởi Đức Chúa Trời đến nỗi lời của ông trở nên lời của Đức Chúa Trời. Đó là sự giàu có. Đó là sự dự trữ bên trong, là kết quả công tác của Đức Chúa Trời hành động trên Phao-lô nhiều năm. Ân điển đặc biệt không thể đem một người lên đến đỉnh cao ấy.

CẦN TRỞ NÊN GIÀU CÓ ÂN ĐIỂN DỰ TRỮ

Tôi rất buồn vì thường gặp những anh chị em lệ thuộc ân điển đặc biệt đến nỗi ngoại trừ những lúc kinh nghiệm được ân điển đặc biệt, còn thì lời nói và tình trạng tâm trí của họ rơi vào tình trạng như thể họ không phải là Cơ-đốc-nhân. Điều này bày tỏ một tình trạng vô cùng nghèo nàn! Khi những người thuộc loại này thiếu sự trợ giúp, họ trở nên trống rỗng. Tôi thừa nhận rằng tất cả chúng ta đều cùng khốn khi ân điển của Đức Chúa Trời bị cất đi khỏi chúng ta, nhưng cũng đúng là một điều gì đó của ân điển Đức Chúa Trời có thể được cấu thành trong chính bản thể chúng ta. [Ân điển] dự trữ của Đức Chúa Trời được tích chứa trong một người cũng là một sự thật. Một số người sống theo lối ăn xổi ở thì, tiêu hết tất cả những gì mình có để đáp ứng các chi phí ngay thời điểm hiện tại. Họ không thể chịu đựng nổi những cơn thử thách.
Thử thách là gì? Thử thách là những thời điểm dường như Đức Chúa Trời không quan tâm, lắng nghe, hay tương giao với chúng ta. Madame Guyon hiểu thế nào là thử thách hơn ai hết. Những thử thách thuộc linh là những thời điểm dường như Đức Chúa Trời che mặt Ngài và im lặng với chúng ta, đó là những thời điểm dường như Ngài không trả lời, và cũng hoàn toàn không lên tiếng, là khi Ngài im lặng đến nỗi dường như không có Đức Chúa Trời ở trên trời. Những giai đoạn thử thách ấy ngay lập tức phân biệt những người có [ân điển] dự trữ với những người không có [ân điển ấy]. Một người nghèo nàn sống nhờ niềm vui trong sự cầu nguyện và duy trì cuộc sống của mình nhờ sự tươi mới nơi bàn của Chúa. Bất cứ khi nào không có những điều đó, người ấy thất bại suốt tuần vì không thể tiến lên và rồi vấp ngã. Nhiều người nương cậy vào ân điển đặc biệt suốt đời và trong mọi khía cạnh của cuộc sống, họ không có ân điển dự trữ.

Một số người, chẳng hạn như Madame Guyon, trải qua nhiều thử thách kéo dài nhiều ngày tháng.  Suốt thời gian thử thách này, cả thế giới có vẻ rối loạn đến nỗi dường như không có Đức Chúa Trời. Những thời điểm ấy sẽ làm lộ ra người có ân điển dự trữ ở bề trong. Người ấy sẽ thắng hơn sự thử nghiệm. Người ấy có một điều gì đầy đủ ở bên trong. Điều đó được gọi là sự giàu có. Ấy là sự giàu có mà Chúa đề cập đến khi phán với hội thánh tại Lao-đi-xê (Khải 3:18a).
Tóm lại, nghèo nàn là thiếu dự trữ, giàu có là có dự trữ. Dĩ nhiên chúng ta có ý nói đến sự dự trữ thuộc linh.

LÀM THẾ NÀO TRỞ NÊN GIÀU CÓ NHỜ DỰ TRỮ

Thời Gian Là Một Nhân Tố Thiết Yếu

Làm thế nào chúng ta giàu có [ân điển] dự trữ ở bề trong? Đó là một vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu. Tôi xin phép nói thẳng thắn với các anh em trẻ tuổi một điều. Cho dù anh em là ai chăng nữa, không người nào trong anh em thật sự giàu có. Có lẽ anh em nghĩ mình đã trở nên giàu có. Nhưng việc tích trữ của cải đòi hỏi thời gian. Những ai đã dành thì giờ ở trước mặt Đức Chúa Trời có thể có ít nhiều sự phong phú. Những ai chưa dành thì giờ [ở với Ngài] chắc chắn là nghèo nàn. Những người trẻ tuổi không thể giàu có. Thời gian là một nhân tố quan trọng. Trước đây, chúng tôi nghĩ rằng một vài thanh niên đi trước người lớn tuổi trong những vấn đề thuộc linh căn bản. Nhưng gần đây khi chạm đến một vài vấn đề sâu xa hơn tại Phúc Châu, chúng tôi khám phá ra rằng nhiều anh em thanh niên tốt nhất vẫn không thể nắm bắt được những vấn đề thực tế nhất. Tôi khẩn khoản yêu cầu các anh em trẻ tuổi hãy kiểm tra xem mình đã tích tụ được bao nhiêu phần dự trữ thuộc linh. Tôi e rằng anh em chỉ có những phần dự trữ nhỏ bé nhất. Đừng tự hào. Tự hào là thái độ khờ dại nhất. Anh em phải nhận biết rằng trước mặt mình còn cả một con đường dài. Anh em phải được cấu tạo bằng Thánh Linh và được vững lập bởi Thánh Linh trên con đường này hằng ngày. Thời gian là vấn đề trọng yếu. Không ai có thể bỏ qua mà không cân nhắc điều này.

Kinh Nghiệm  Là Một Nhân Tố Thiết Yếu

Thứ hai, chúng ta phải trải qua những kinh nghiệm khác nhau. Nhiều người đã bước đi một thời gian dài trước mặt Đức Chúa Trời, nhưng họ chưa từng trải nhiều kinh nghiệm trước mặt Ngài. Nếu một người muốn trở nên giàu có, người ấy phải trải qua một thời gian trước mặt Đức Chúa Trời, và phải từng trải nhiều kinh nghiệm trước mặt Ngài. Những kinh nghiệm một người phải trải qua là sự sửa trị của Thánh Linh. Một số người đã là Cơ-đốc nhân tám hoặc mười năm, nhưng dường như Thánh Linh rất dễ dãi đối với họ. Dường như Ngài không sửa trị họ, thậm chí cũng không chú ý đến họ. Dường như Thánh Linh không muốn liên hệ đến công việc của họ. Tuy nhiên, những người khác được Ngài nắm lấy trong tay và không buông ra, họ bị Thánh Linh sửa trị rất nghiêm khắc. Những gì một số người làm dường như không quan trọng, vì Thánh Linh không phán với họ qua các hoàn cảnh hay lương tâm họ. Hoàn cảnh của họ không đem đến cho họ nhiều rắc rối, lương tâm họ cũng vậy. Mặc dầu những người này có lợi điểm vì đã trải qua một thời gian dài, nhưng họ không học tập được nhiều điều từ nơi Đức Chúa Trời vì họ không bị hạn chế, gọt dũa, ngăn cản và sửa phạt đủ. Vì vậy, họ không giàu có trước mặt Ngài. Vì lý do đó, chúng ta đừng sợ những khó khăn mình phải đối diện trước mặt Đức Chúa Trời. Mỗi một hoàn cảnh ấy làm cho chúng ta trở nên giàu có. Càng có ít nan đề, chúng ta càng ít có gì dự trữ, và càng ít có lời để chia sẻ cho người khác. Không ai có thể có lời mà không có kinh nghiệm. Sự giàu có của chúng ta trong Lời và trong sự phục vụ con cái Đức Chúa Trời tương xứng với kinh nghiệm mình đã trải qua. Sự cung ứng của chúng ta đến từ những bài học mình học tập trước mặt Đức Chúa Trời. Giáo lý không thể cho chúng ta những điều ấy; những lời chú giải Kinh Thánh cũng không thể cho chúng ta những điều ấy. Đó là những điều chúng ta học tập khi Thánh Linh dẫn dắt chúng ta trong bước đi hằng ngày của mình.

Vì vậy, tôi hi vọng rằng chúng ta sẽ không chểnh mảng trong kinh nghiệm hằng ngày khi học tập bước theo Đức Chúa Trời. Trong tất cả những thất vọng và ảo tưởng tan vỡ mà mình đối diện, chúng ta hãy nhận biết sự xử lý nghiêm khắc của Chúa đối với mình. Chúng ta hãy cúi đầu trước mặt Ngài với lòng biết ơn và thờ phượng, nhận biết rằng trong mọi điều ấy, mục đích của Ngài là làm cho chúng ta được giàu có và dẫn chúng ta đến sự dư dật.
Một anh em nọ nghĩ rằng mình rất mạnh mẽ trong đức tin cho đến khi bị ngã bệnh. Sau đó anh bắt đầu học tập ý nghĩa thật sự của đức tin. Nếu chưa bao giờ nghèo nàn, chúng ta không biết cách ngưỡng trông Chúa. Nếu chưa bao giờ đau ốm, chúng ta không biết đức tin. Nếu chưa bao giờ có nan đề, chúng ta không biết sự thờ phượng thật. Nếu không có kinh nghiệm và chưa học tập gì cả, chúng ta vẫn nghèo nàn. Tất cả những ai cố gắng tránh né khó khăn đều là người nghèo nàn. Những ai cầu xin [được sống trong] hoàn cảnh dễ chịu cũng nghèo nàn. Nếu muốn tiến bộ, chúng ta phải cầu xin Chúa cho mình trải qua một số hoàn cảnh. Càng muốn học tập, chúng ta càng phải kinh nghiệm. Hi vọng, đức tin và sự đầu phục của chúng ta đều đến trong những hoàn cảnh khác nhau ấy để gây dựng chúng ta và giúp chúng ta vượt qua. Nếu gặp thêm một hoàn cảnh nào ở bên ngoài, chúng ta sẽ có thêm một yếu tố giàu có thuộc linh nữa ở bên trong. Chúng ta phải nhận biết rằng mỗi một hoàn cảnh chúng ta gặp phải là để dạy dỗ mình một điều gì đó, cho dầu hoàn cảnh ấy có khó khăn bao nhiêu đối với xác thịt chúng ta hoặc mình không thích nó bao nhiêu chăng nữa. Chúng ta phải cúi đầu thưa rằng: "Đây là cơ hội, cơ hội có một không hai trong cả đời người, cơ hội ngàn năm một thuở! Chúa ơi, con cảm tạ Ngài!"

Quanh chúng ta có nhiều Cơ-đốc nhân, nhưng một số dường như được che chở khỏi hoạn nạn. Loại anh chị em này có một đời sống rất bình an, yên tịnh, nhưng chúng ta cảm nhận ngay rằng đức tin, hi vọng và sự tín nhiệm của những thánh đồ này rất nhỏ bé và nghèo nàn. Vì vậy, tôi hi vọng rằng anh em sẽ lắng nghe những lời thẳng thắn của tôi. Khi gặp thử thách, anh em nên ngước đầu lên ngợi khen Chúa rằng: "Chúa ôi, Ngài đang tạo nên một cơ hội khác trong con để con nhận được sự phong phú nào đó. Mọi sự cộng tác với nhau để đem lại lợi ích. Ngài sẽ tạo nên một điều gì đó trong con mà người khác không có để con có thể cung ứng cho hội thánh". Các anh em ơi, đừng bị lừa dối mà suy nghĩ rằng mình có thể rao giảng nhờ nghiên cứu nhiều. Một người có thể giảng, nhưng điều đó không nhất thiết có nghĩa là người ấy có một linh giàu có. Một người có thể cải tiến sự giảng dạy của mình và làm cho lời giảng của mình càng phong phú, nhưng điều đó không làm cho người ấy giàu có trong linh.

Phát biểu nhiều lời đầy ý nghĩa và được đầy dẫy Linh là hai điều hoàn toàn khác nhau. Đức Chúa Trời không ngược đãi chúng ta khi ban cho chúng ta thêm thử thách và nan đề; thật ra Ngài đang đối xử rất tốt với chúng ta. Ngài đã lựa chọn chúng ta và ban ơn cho chúng ta bằng cách cung ứng cho chúng ta cơ hội lớn lao này. Chúng ta phải tìm kiếm điều ấy. Nếu có ánh sáng, chúng ta nên luôn luôn xem xét một điều: Chúng ta đã trải qua bao nhiêu kinh nghiệm trước mặt Chúa? Chúng ta có dự trữ gì không? Chúng ta tự hào bao nhiêu thì không thành vấn đề, sự tự hào của chúng ta không có giá trị gì cả. Nếu chúng ta có điều gì ở bên trong, thì chúng ta có; nếu không có, thì chúng ta không có. Càng muốn lừa dối người khác, người khác sẽ càng biết chúng ta. Càng tự hào và càng cố gắng khoác lấy một vẻ bề ngoài tốt đẹp, chúng ta càng phơi bày chính mình. Một khi mở miệng ra, chúng ta phơi bày chính mình. Chúng ta không nên cho là mình có thể lừa dối người khác khi làm da chúng ta giống Ê-sau mà giọng nói thì giống Gia-cốp. Lượng phong phú thuộc linh tùy thuộc vào lượng kinh nghiệm chúng ta đã trải qua.

Cần Có Kết Quả Chung Cuộc

Thứ ba, kết quả sau cùng là điều cần thiết. Trải qua nhiều kinh nghiệm vẫn chưa đủ. Nếu đã trải qua lượng thời gian cần có và từng trải những kinh nghiệm cần thiết, chúng ta phải hỏi xem có kết quả gì không. Điều này vẫn có thể là một nan đề. Chúng ta phải đạt đến kết quả sau cùng. Nguyên tắc khi thực hiện một cuộc thí nghiệm hóa học tại trường là: "Thực hiện cho đến khi hoàn tất". Điều này có nghĩa là chúng ta phải kiên trì trong cuộc thí nghiệm cho đến khi đạt được kết quả. Nhiều lần công việc được thực hiện nhưng không thấu đáo. Nếu công việc không được thực hiện cách triệt để, thì sẽ vô ích. Mọi sự cần phải được trọn vẹn.

Kinh Thánh cho chúng ta thấy rất rõ ràng rằng khi Đức Chúa Trời xử lý một người, Ngài không dễ gì buông ra. Ngài làm công việc cách kỹ lưỡng. Dầu bò bị cướp, cừu và đầy tớ bị thiêu đốt, nhà sụp, hay con cái chết cũng không thành vấn đề. Những vết đau trên thân thể cũng không thành vấn đề. Môi lưỡi phải đầu phục và miệng phải bị hạ xuống tận tro bụi (xin xem Gióp 1:6-2:10; 42:1-6). Ngày ấy phải đến. Thư Gia-cơ dùng từ ngữ kết cuộc trong 5:11: "... kết cuộc của Chúa ban cho người". Ở đây chúng ta thấy vấn đề không phải là thử thách thường xuyên, mà vấn đề là Đức Chúa Trời đạt đến mục đích của Ngài qua những thử thách ấy. Các con của Gióp chết. Chúng ta có bao nhiêu đứa con để mình có thể chấp nhận cho chúng chết đi? Một người không có nhiều con để có thể chấp nhận cho chúng chết đi. Đó là một vấn đề rất nghiêm trọng. Gióp nhận được một sự xử lý nặng nề, nhưng ông vẫn nghèo nàn. Chúng ta không nên nghĩ rằng Đức Chúa Trời có thể ban cho chúng ta những thử thách bất tận. Có một chị em chồng qua đời, và chị là một góa phụ. Tuy nhiên, chị vẫn hời hợt trong những vấn đề thuộc linh. Một ngày kia, sau khi chị làm chứng xong, tôi bị bứt rứt bên trong rất nhiều. Tôi thẳng thắn nói với chị: "Chị có một thái độ sai lầm. Đức Chúa Trời cất chồng chị đi là một điều rất nghiêm trọng, nhưng chị chưa học được bài học! Một người không có nhiều chồng để mà mất". Nhiều người muốn đi lên núi Kuling, nhưng chúng ta không nên nghĩ rằng núi Kuling là danh lam thắng cảnh để tham quan. Kuling là nơi phán xét rất tàn nhẫn. "Bò và chiên" của anh em có thể bị cướp, "nhà cửa" của anh em có thể sụp đổ, và "con cái" của anh em có thể qua đời, nhưng vấn đề có thể vẫn không đến chỗ chung cuộc. Thân thể anh em có thể "đầy mụt nhọt", nhưng có thể vấn đề vẫn không đến chỗ chung cuộc. Đó là ý nghĩa của tình trạng không có kết quả chung cuộc. Một người phải trải qua nhiều kinh nghiệm, nhưng chỉ có một số hoàn cảnh giới hạn người ấy có thể vượt qua. Nếu một người không học được những bài học mình đã trải qua, người ấy không thể đạt đến đích điểm của Chúa. Điều ấy có nghĩa là Chúa sẽ không đạt được mục tiêu của Ngài. Xin nhớ rằng nếu Chúa không đạt được gì cả, thì chúng ta không dự trữ được nhiều. Nếu đó là trường hợp của mình, chúng ta chỉ phí phạm thì giờ, sự xử lý, sự thử thách và sự sửa trị mà thôi! Đó là một điều đáng sợ. Nhiều người trải qua sự xử lý, nhưng họ trở nên những chiếc bình vỡ nát, vô dụng khi họ ra khỏi đó. Tình trạng này cũng giống như [quang cảnh trong] tiệm thợ gốm được nói đến trong Giê-rê-mi 18:4. Sàn nhà đầy những chiếc bình không đạt đến tình trạng thích dụng. Thậm chí những chiếc bình có thể "công bố" mình đã được đưa qua lửa, nhưng chúng vẫn vỡ ra trên sàn nhà. Vì vậy, chúng ta hi vọng không những mình trải qua đủ thời gian trước mặt Chúa và trải qua đủ kinh nghiệm, nhưng cũng trở nên những chiếc bình đạt đến vinh quang sau khi đã trải qua những kinh nghiệm ấy. Gióp không những trải qua các kinh nghiệm. Một ngày kia, Đức Chúa Trời thấy thời điểm chung cuộc đã đến. Trong ông có một cấu tạo mới, ông đã thay đổi. Đây là một vấn đề quan trọng hàng đầu. Vấn đề không phải là nhận thêm sự sống, mà là kết cấu sự sống con người với sự sống thần thượng.

 Tôi xin tuyên bố một điều mà tôi e rằng người ta thường hiểu lầm: con người cũ không thể thay đổi. Sự thật là Đức Chúa Trời đã đóng đinh con người cũ, và một sự thật khác nữa là Đức Chúa Trời đã đặt sự sống mới trong chúng ta. Nếu Đức Chúa Trời lấy sự sống này đi, con người cũ vẫn là con người cũ. Tuy nhiên, Kinh Thánh cũng nói rằng con người có thể được thay đổi, tâm trí có thể được đổi mới, biến đổi (Rô 12:2). Xin nhớ rằng không phải chỉ sự sống mới này trong chúng ta làm cho chúng ta khác với mọi người; chúng ta trở nên khác với mọi người bởi sự hành động của sự sống mới này trong mình. Khi sống với một người nào đó một thời gian dài, chúng ta bắt đầu giống người ấy. Sau khi sống với Đức Chúa Trời một thời gian dài, thật kỳ lạ nếu chúng ta không thay đổi chút nào. Vì Thánh Linh sống trong chúng ta, chắc chắn phải có một điều gì đó chúng ta học tập nơi Ngài làm cho chúng ta giống Ngài. Đó là sự đổi mới và biến đổi.

Vì vậy, chúng ta hi vọng học được những bài học của mình và sẽ đi đến đích. Hi vọng rằng thời gian chúng ta trải qua trước mặt Đức Chúa Trời và những bài học chúng ta học trước mặt Ngài sẽ có kết cuộc. Chúa đặt Linh Ngài trong chúng ta để làm cho chúng ta có thể học tập được các bài học và đạt đến đích. Chỉ khi ấy Chúa mới có thể dùng chúng ta để cung ứng cho người khác. Chúng ta không thể nhận được điều này do đọc hay nghe Phao-lô giảng, mà do học biết Đấng Christ (Êph. 4:20). Không phải chúng ta làm nhiều điều chỉ vì Kinh Thánh nói như vậy. Chúng ta làm vì đã học tập cho chính mình. Chúng ta phải có phẩm chất này trước khi có thể hầu việc Đức Chúa Trời và trước khi lời của chúng ta có thể cung ứng cho người khác.

Ánh Sáng Cũng Cần Thiết

Điều cần yếu sau cùng là ánh sáng. Người giàu có là người nhận được nhiều ánh sáng. Chúng ta không được chỉ học các bài học, Chúa cũng phải soi sáng trong linh chúng ta để chúng ta thấy những gì mình đang học. Chúng ta không nên chỉ biết rằng một điều gì đó đã xảy ra. Những gì đã xảy ra cần phải được nung đúc thành một sự dạy dỗ trong chúng ta. Đó là cách duy nhất chúng ta có thể chuyển kinh nghiệm của mình thành lời để cung ứng cho người khác. Hoàn cảnh không chỉ xảy ra cho chúng ta. Chúng ta có thể nhận những gì mình đã học và cung ứng cho người khác. Khi ánh sáng đến, chúng ta có thể nói, và lời của chúng ta sẽ cung ứng cho người khác.

Đức Chúa Trời thường xử lý chúng ta mà chúng ta không biết. Tuy nhiên, thỉnh thoảng chúng ta biết. Sự nhận biết này làm cho việc xử lý của Ngài hiệu quả hơn để đạt đến cùng đích của nó. Chúng ta có thể tin và vâng lời nhờ sự soi sáng. Vì vậy, chúng ta có thể nhanh chóng đạt đến mục đích của sự xử lý. Bông trái được sinh ra và trở nên chín. Đó là cùng đích của con người trước mặt Đức Chúa Trời. Loại soi sáng này là thuốc xức mắt được nói đến trong Khải-thị 3:18. Sự soi sáng này làm cho người ta thấy được và chiếu sáng ra.

SỰ SOI SÁNG KHÁC VỚI SỰ CẢM THÚC

Hỏi: Sự soi sáng mà anh nói đến có khác với sự cảm thúc không?
Đáp: Có, hai điều này khác nhau. Ánh sáng đến qua sự khải thị, đó là ánh sáng bên trong. Nan đề cơ bản nơi bản thể bên trong là vấn đề vâng phục.

LIÊN QUAN ĐẾN SỰ SỬA TRỊ CỦA THÁNH LINH

Hỏi: Khi một hoàn cảnh nào xảy đến cho chúng ta, chúng ta nên đầu phục càng sớm càng tốt, nhưng có phải sự đầu phục nhanh chóng này tùy thuộc vào việc chúng ta có nhanh chóng nhận biết rằng hoàn cảnh ấy đến từ Chúa không?
Đáp: Vâng, đúng như vậy, nhưng điều quan trọng là chúng ta phải hiểu ý nghĩa sự sửa trị của Thánh Linh. Sự sửa trị của Thánh Linh có nghĩa là khi Thánh Linh đang hành động trong hoàn cảnh bên ngoài để đem chúng ta đến một mục tiêu cụ thể nào đó, Ngài cũng tạo nên một sự đòi hỏi bên trong chúng ta. Hành động này được gọi là sự sửa trị của Thánh Linh. Nếu chúng ta không vâng lời, sự hành động này sẽ không phục vụ mục đích của Ngài cách nhanh chóng được. Nhưng dầu chúng ta không đầu phục, Ngài sẽ đem chúng ta đến chỗ vâng lời. Chắc chắn sẽ đến một ngày Ngài làm cho chúng ta đầu phục. Sự sửa trị của Thánh Linh thường đem chúng ta đến chỗ đầu phục. Nói như vậy không có nghĩa là trong chính chúng ta có ý muốn đầu phục, nhưng chúng ta được đem đến chỗ vâng lời cách tự phát. Các anh chị em đã tin Chúa nhiều năm có thể nhìn lại đời sống mình và tính xem đã bao nhiêu lần Chúa phán với mình và mình đã vâng lời. Chúa lại phán và họ lại vâng lời. Tất cả chúng ta có thể nói điều này. Nếu nhìn lại và suy nghĩ, chúng ta có thể nhận ra nhiều lần Chúa phán và chúng ta không có ý định vâng lời. Nhưng cuối cùng chúng ta đã vâng lời. Đó là kết quả của sự sửa trị của Thánh Linh. Thỉnh thoảng chúng ta thật sự quyết định không vâng lời, nhưng lạ lùng thay, sau hai ba năm rối loạn, sự chống đối của chúng ta yếu dần đi, và chúng ta không còn bất tuân nữa. Đó là kết quả của sự sửa trị của Thánh Linh. Khi chúng ta tự đầu phục, công việc sẽ sớm hoàn tất. Nhưng tạ ơn Đức Chúa Trời, ngay cả khi chúng ta không có tấm lòng đầu phục, và không có đức tin, chúng ta vẫn có thể được đem đến chỗ đầu phục. Đó là kết quả của sự sửa trị của Thánh Linh. Tôi thường xem sự sửa trị của Thánh Linh là một dụng cụ đo lường để Ngài bù đắp tình trạng thiếu đầu phục của chúng ta.

Sự sửa trị của Thánh Linh có hai phương diện. Thứ nhất là làm cho chúng ta đầu phục. Đức Chúa Trời sắp đặt hoàn cảnh của chúng ta và kêu gọi chúng ta đầu phục. Thứ hai là sự sửa trị của Thánh Linh cai quản sự đầu phục của chúng ta. Chúng ta không có ý định vâng phục gì cả, nhưng Thánh Linh hành động trong chúng ta đến nỗi chúng ta đầu phục.
Có một anh em rất yêu tiền bạc. Thánh Linh sửa trị anh ấy nhiều lần, nhưng anh vẫn yêu tiền bạc. Suốt ba, bốn năm qua, nhiều điều tình cờ xảy ra trên bước đường của anh khiến anh rất tức giận. Tuy nhiên, ngày nay, một cách không có ý thức, anh không còn yêu tiền bạc nữa. Anh từng hỏi: "Tôi có bắt buộc phải từ bỏ lòng yêu tiền bạc của mình với một linh vâng phục không? Nếu tôi từ bỏ nó với một linh không vâng phục thì sao?" Tôi đã trả lời rằng hễ anh từ bỏ được lòng yêu tiền bạc là tốt rồi. Nhiều lúc chúng ta muốn đầu phục cách nhanh chóng và xin Đức Chúa Trời ban ân điển cho mình để chúng ta có thể đầu phục. Điều đó rất tốt. Như vậy chúng ta sẽ ít trải qua sự sửa phạt hơn, và được cứu khỏi một số sự xử lý. Chúng ta có thể bước qua phía bên kia cách nhanh chóng hơn. Nhưng dầu không hợp tác như vậy, Ngài vẫn sẽ đem chúng ta vượt qua theo thời điểm tốt đẹp của Ngài miễn là chúng ta cho Ngài có thì giờ. Đó là sự sửa trị của Thánh Linh. Vì vậy, sự hành động bên trong của Thánh Linh rất quí báu, và sự hành động bên ngoài của Ngài qua hoàn cảnh của chúng ta cũng rất quí báu.

Hỏi: Làm thế nào chúng ta có thể vâng lời nhanh chóng hơn?

Đáp: Thỉnh thoảng Thánh Linh của Đức Chúa Trời hành động bên trong chúng ta nhờ sự vận hành của Ngài, thỉnh thoảng Ngài hành động trong chúng ta qua quá trình thời gian. Khi Thánh Linh của Đức Chúa Trời chuyển động trong chúng ta, sự vâng phục xảy ra ngay lập tức. Nhưng Đức Chúa Trời không chỉ hành động qua Thánh Linh của Ngài trong con người, Ngài cũng hành động bên trong họ nhờ sự sửa trị bên ngoài của Thánh Linh. Điều này không xảy ra nhanh chóng. Đó là tiến trình hằng ngày. Ngài tiếp tục công tác của Ngài cho đến một ngày kia chúng ta vừa muốn vừa được thay đổi. Nhưng tiến trình này sẽ cần thời gian. Khi chúng ta xin Đức Chúa Trời ban cho mình sự đầu phục, có hai cách đáp lời cho sự cầu nguyện này: sự hành động bên trong là hành động tức thì, và hoàn cảnh bên ngoài là trường hợp mất nhiều thời gian. Như vậy, chúng ta có thể đầu phục hoặc nhờ sự soi sáng, hoặc nhờ sự sửa trị.

Sẽ đến một ngày hội thánh đạt đến tình trạng trưởng thành đầy trọn như đã được mô tả trong Ê-phê-sô chương 4. Khi ấy, hội thánh sẽ không có tì vết, không nếp nhăn hay một điều nào tương tự như vậy, như được đề cập trong Ê-phê-sô chương 5. Ở đây có hai phương diện cho công tác này: Giăng khóc khi ông thấy không có ai xứng đáng mở cuộn sách (Khải 5:4). Tôi không nghĩ rằng chúng ta giống như Giăng, nhưng những người đọc Kinh Thánh rất băn khoăn về Ê-phê-sô chương 4 và 5. Dường như xem các ngôi sao giống như những trái vả và mưa đá cân nặng một ta-lâng rơi xuống đất còn dễ hơn nghĩ đến hội thánh trưởng thành và đạt đến tầm vóc trọn vẹn của Đấng Christ, không còn tì vết hay nếp nhăn, hay một điều nào tương tự như vậy. Họ lo lắng khi nghĩ rằng hội thánh phải thánh khiết đến nỗi trở nên tuyệt đối không chỗ trách được, có thể trình diện mình để bị xem xét tỉ mỉ công khai mà vẫn không thể tìm thấy một khuyết điểm hay một điều nào đáng chê trách. Tuy nhiên, chúng ta thấy Thánh Linh không những hành động bên trong, mà cũng sửa trị bên ngoài để đem chúng ta đến tình trạng không chỗ trách được. Sự sửa trị của Thánh Linh thực tế biết bao! Chúng ta vật lộn để giải quyết nhiều điều, nhưng nhiều điều được giải quyết mà chúng ta không biết. Chúa đang sắp đặt đủ mọi điều cho chúng ta, Ngài đã hoạch định  tương  lai  chúng  ta.  Đó  thật  là phúc-âm của Cơ-đốc-nhân! Thật kỳ diệu khi nhận biết rằng các Cơ-đốc-nhân có sự sửa trị của Thánh Linh.