Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

GIÊ-RU-SA-LEM MỚI — SỰ TỔNG KẾT SAU CÙNG -4

Topaz
Topaz
                         Kinh-thánh: Khải 21:3-4, 6-7, 24, 26, 22:2-5, 14, 17
Emerald
Emerald
Giê-ru-sa-lem Mới là sự tổng kết của toàn bộ khải thị thần thượng. Sáu mươi sáu sách của Kinh-thánh có một kết cuộc và kết cuộc này là Giê-ru-sa-lem Mới. Kinh-thánh bắt đầu bằng sự sáng tạo của Đức Chúa Trời và chấm dứt bằng sự xây dựng của Ngài. Sự sáng tạo không phải là mục tiêu của Đức Chúa Trời. Sự sáng tạo là vì sự xây dựng mà sự xây dựng mới là mục tiêu của Ngài. Ý tưởng về sự xây dựng thần thượng này xuyên suốt toàn bộ Kinh-thánh.

CỰU ƯỚC
Khải tượng về sự xây dựng của Đức Chúa Trời trước hết đã đến với Gia-cốp. Trong khi chạy trốn khỏi Ê-sau là anh mình, Gia-cốp thấy một giấc chiêm bao. Ông chiêm bao thấy nhà của Đức Chúa Trời tức Bê-tên (Sáng 28:11-19). Sau đó, Đức Chúa Trời mang dòng dõi ông ra khỏi Ai-cập đến núi Si-nai là nơi họ lưu lại một thời gian dài. Khi ở tại đó, Đức Chúa Trời chỉ cho họ thấy mô hình thiên thượng về một kiến ốc, tức đền tạm, sẽ là chỗ cư trú của Đức Chúa Trời ở giữa vòng dân Ngài trên đất.
Sau khi tiến vào miền đất tốt lành, Đức Chúa Trời muốn họ xây cất một đền thờ. Cựu Ước chính yếu là lịch sử của đền tạm và đền thờ. Cả hai là một, tức là chỗ cư trú của Đức Chúa Trời trên đất giữa vòng dân Ngài. Lịch sử dòng dõi Gia-cốp là lịch sử của đền tạm và đền thờ trong Cựu Ước. Đền tạm và đền thờ là trung tâm, là tiêu điểm của lịch sử dân Đức Chúa Trời thời Cựu Ước trên đất này.
TÂN ƯỚC
Trong Tân Ước, chúng ta thấy Đức Chúa Trời nhập thể. Đức Chúa Trời đã trở thành xác thịt. Giăng 1:14 nói rằng Đấng nhập thể này “đóng trại giữa chúng ta”. Giăng đặc biệt dùng từ ngữ “đóng trại” này. Từ ngữ ấy chứng tỏ rằng khi Chúa Giê-su còn ở trên đất trong xác thịt, Ngài là đền tạm của Đức Chúa Trời. Theo biểu tượng học, đền thờ được xây dựng trong Xuất Ê-díp-tô Ký là một biểu tượng trọn vẹn về sự nhập thể của Chúa; Chúa nhập thể để trở nên chính hiện thân của Đức Chúa Trời trên đất. Hiện thân này là nơi cư trú của Đức Chúa Trời. Cô-lô-se 2:9 nói rằng sự đầy trọn của Đức Chúa Trời Tam Nhất ở trong Đấng Christ một cách có thân thể, tức là trong Đấng Christ với một thân thể vật lý của con người. Chính Đấng Christ là hiện thân của Đức Chúa Trời và hiện thân này là đền tạm của Đức Chúa Trời.

Trong Giăng 2:19, Chúa phán với người Do-thái: “Hãy phá hủy đền thờ này đi, trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”. Thân thể vật lý của Chúa Giê-su là đền thờ của Đức Chúa Trời (c. 21). Trong Giăng chương 1 có đền tạm và trong Giăng chương 2 có đền thờ. Lời Chúa nói “trong ba ngày” chỉ về sự phục sinh của Ngài. Phao-lô nói với chúng ta trong Ê-phê-sô 2:6 rằng khi Đấng Christ sống lại, chúng ta cũng cùng được sống lại với Ngài. Phi-e-rơ nói rộng hơn nữa rằng qua sự phục sinh bao-hàm-tất-cả này mà tất cả chúng ta đã được tái sinh (1 Phi-e-rơ 1:3). Chúng ta đã được sinh bởi Đức Chúa Trời và là các con của Ngài. Điều này có nghĩa rằng chính đền thờ mà Chúa Giê-su đã xây dựng trong ba ngày, tức là trong sự phục sinh của Ngài, không phải là một điều gì có tính cách cá nhân nhưng là tập thể. 1 Cô-rin-tô 3:16 nói rằng các thánh đồ là đền thờ của Đức Chúa Trời.
Tân Ước kết thúc với Giê-ru-sa-lem Mới và Giê-ru-sa-lem Mới, tức kết cuộc của Kinh-thánh, được gọi là đền tạm (Khải 21:3). Giăng nói ông không thấy đền thờ nào trong thành

GIÊ-RU-SA-LEM MỚI — SỰ TỔNG KẾT SAU CÙNG
thánh: “vì đền thờ của thành là Chúa Đức Chúa Trời Toàn Năng và Chiên Con”. (21:22).
Như chúng tôi đã nêu rõ, Giê-ru-sa-lem Mới có chiều dài, chiều rộng và chiều cao bằng nhau. Ba chiều của thành phố đo được mười hai nghìn sta-đi-a (21:16). Nguyên tắc được bày tỏ trong Kinh-thánh là một kiến ốc với ba chiều giống nhau chỉ về Nơi Chí Thánh. Ba chiều của Nơi Chí Thánh trong đền tạm đo được mười cúp-bít mỗi chiều. Nơi Chí Thánh trong đền thờ theo 1 Vua 6:20 cũng có ba chiều bằng nhau, mỗi chiều là 20 cúp-bít. Theo kích thước của Giê-ru-sa-lem Mới, thành phố này phải là Nơi Chí Thánh. Nếu đọc Khải-thị chương 21 một cách kỹ càng, chúng ta sẽ thấy thành thánh này là cả đền tạm lẫn đền thờ.

Cả Cựu Ước lẫn Tân Ước đều chú trọng đến đền tạm và đền thờ là nơi cư trú của Đức Chúa Trời. Rồi kết cuộc của toàn thể Kinh-thánh, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, cũng là đền tạm và đền thờ. Trong Cựu Ước, đền tạm tượng trưng cho Đấng Christ có tính cách cá nhân tức là đền tạm của Đức Chúa Trời, và đền thờ tượng trưng cho Đấng Christ có tính cách tập thể tức là đền thờ của Đức Chúa Trời. Điều chúng ta có ở đây là Đấng Christ và hội-thánh. Đấng Christ là sự ứng nghiệm biểu tượng đền tạm. Đấng Christ là Đầu với hội-thánh là Thân Thể Ngài, cả hai cùng làm ứng nghiệm biểu tượng đền thờ. Điều này sẽ được hoàn thành và sự chung cục toàn bộ sẽ là Giê-ru-sa-lem Mới, tức là cả đền tạm và đền thờ. Đây là sự tổng kết sau cùng của nơi cư trú Đức Chúa Trời mà Ngài đã xây dựng trong nhiều thế kỷ. Giê-ru- sa-lem Mới này hơn nữa là một cơ cấu tổng hợp sống động của toàn thể thánh đồ Cựu Ước, tượng trưng bằng tên của mười hai chi phái, và tất cả thánh đồ Tân Ước tượng trưng bằng tên của mười hai sứ đồ. Đây là cơ cấu tổng hợp sống động của dân đã được cứu chuộc của Đức Chúa Trời để trở nên nơi cư trú đời đời cho Ngài.
BỐN THỜI ĐẠI DÀNH CHO SỰ XÂY DỰNG
CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI



Trong cõi sáng tạo cũ, có bốn thời đại trước khi trời mới và đất mới xuất hiện. Thời đại tổ phụ, từ A-đam đến Môi-se, là thời đại có trước luật pháp; anh em cũng có thể gọi là thời đại tiền luật pháp hay thời đại tổ phụ. Thứ hai là thời đại luật pháp, từ lúc Môi-se cho đến khi Đấng Christ đến lần thứ nhất. Thứ ba là thời đại ân điển, kéo dài từ Đấng Christ đến lần đầu tiên cho tới khi Đấng Christ tái lâm hay đến lần thứ hai. Rồi với sự tái lâm của Ngài, thời đại thứ tư sẽ bắt đầu, tức một ngàn năm trị vì của Đấng Christ. Sau bốn thời đại này, cõi sáng tạo cũ chắc chắn sẽ được làm mới lại hoàn toàn, vì qua các thời đại này Đức Chúa Trời sẽ làm xong những điều mà Ngài dự định hoàn thành.

Công tác sáng tạo của Đức Chúa Trời được hoàn tất trong hai chương đầu tiên của Kinh-thánh. Rồi từ nửa phần thứ nhì của Sáng-thế Ký chương hai, Đức Chúa Trời bắt đầu công tác xây dựng của Ngài. Công tác này được liên tục thi hành trong bốn thời đại: thời đại tổ phụ, thời đại luật pháp, thời đại ân điển và sau cùng là thời đại trị vì ngàn năm. Qua bốn thời đại này, Đức Chúa Trời hoàn thành công tác xây dựng của Ngài.
CÔNG TÁC CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI —
MỘT CÔNG TÁC XÂY DỰNG


Trải qua bốn thời đại trên, công tác của Đức Chúa Trời là công tác xây dựng. Trong Cựu Ước, chúng ta thấy đền tạm và đền thờ được xây dựng, tức là tiêu điểm trong lịch sử Cựu Ước. Khi Chúa Giê-su đến, Ngài là đền tạm. Sau khi giúp các môn đồ nhận thức được rằng Ngài là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống, Ngài liền bày tỏ rằng Ngài sẽ xây hội-thánh Ngài (Math. 16:18). Lời Chúa bày tỏ rằng Ngài đang làm công tác xây dựng.

Ý tưởng xây dựng này rất mạnh mẽ trong Kinh-thánh. Thậm chí trong Công-vụ chương 4, Phi-e-rơ nói với những nhà lãnh đạo Do-thái rằng họ là những thợ xây nhà đã từ khước Đấng Christ là đá hằng sống; nhưng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài sống lại và làm cho Ngài trở nên viên đá góc nhà để Ngài xây dựng nhà Ngài (Công 4:10-11). Phi-e-rơ nói trong Thư-tín của ông rằng Chúa là đá hằng sống, và là những viên đá sống, chúng ta đến với Chúa và được xây dựng thành một ngôi nhà thuộc linh (1 Phi. 2:4-5).

GIÊ-RU-SA-LEM MỚI — SỰ TỔNG KẾT SAU CÙNG
Phao-lô cũng nói về sự xây dựng ấy. Ông nói rằng ông đã đặt một nền móng độc nhất vô nhị và không ai có thể đặt một nền khác. Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta xây trên nền ấy như thế nào. Chúng ta có thể xây bằng vàng, bạc và đá quí hay là gỗ, cỏ và rơm rạ (1 Côr. 3:10-12).
Trong các sách của Giăng, ý tưởng về sự xây dựng càng mạnh mẽ hơn. Khi Si-môn đến với Chúa Giê-su trong Giăng 1:41, 42, Ngài đổi tên ông thành Sê-pha, nghĩa là hòn đá. Sau đó, trong cùng chương ấy, Chúa phán với Na-tha-na-ên rằng ông sẽ “thấy từng trời mở ra và các thiên sứ của Đức Chúa Trời đi lên và đi xuống trên Con Người” (c. 51). Thật vậy, Chúa đang nói với Na-tha-na-ên về giấc mơ của tổ phụ ông là Gia-cốp (Sáng 28:12, 17, 19) chứng tỏ rằng công tác xây dựng Bê-tên, tức nhà của Đức Chúa Trời, đã bắt đầu. Rồi trong chương hai, Chúa bày tỏ rằng Ngài sẽ xây dựng thân thể của Ngài trong sự phục sinh làm đền thờ tập thể của Đức Chúa Trời (2:19, 21-22).

Giăng viết thêm trong sách Khải-thị rằng những người đắc thắng sẽ được xây trong đền thờ của Đức Chúa Trời như những trụ cột (Khải 3:12). Cuối cùng, trong Khải-thị chương 21, ông cho chúng ta thấy sự tổng kết sau cùng của công tác xây dựng này sẽ là Giê-ru-sa-lem Mới, tức đền tạm và đền thờ của Đức Chúa Trời, được xây dựng bằng vàng, ngọc trai và đá quí, có các sứ đồ là mười hai hòn đá lập nền.

Xin lưu ý rằng trong toàn bộ Kinh-thánh, chỉ có một chương rưỡi nói về sự sáng tạo của Đức Chúa Trời. Phần còn lại của Kinh-thánh, từ phân nửa Sáng-thế Ký chương hai đến cuối sách Khải-thị bàn về kiến ốc của Đức Chúa Trời. Kiến ốc này được gọi đi gọi lại là đền thờ trong Cựu Ước, Tân Ước và phần kết của Kinh-thánh. Trong Cựu Ước có đền tạm và đền thờ. Trong Tân Ước có thực tại của đền tạm và đền thờ. Vào phần kết luận của hai Giao ước này là tổng kết sau cùng của đền tạm và đền thờ.
SỰ QUI TỤ TOÀN DIỆN
CỦA QUYỀN LÀM CON THẦN THƯỢNG


Tổng kết sau cùng này, Giê-ru-sa-lem Mới, là sự qui tụ toàn diện của quyền làm con thần thượng để biểu hiện Đức Chúa Trời Tam Nhất một cách tập thể (Rô. 8:23). Con là sự biểu hiện của Cha. Chưa ai từng thấy Đức Chúa Trời, ngoại trừ Con độc sinh đã tuyên rao về Ngài (Giăng 1:18). Người cha và các con đều có cùng một hình ảnh. Khuôn mặt của các con đều giống khuôn mặt của cha. Giê-su Christ, tức Con của Đức Chúa Trời, chính là sự biểu hiện của Đức Chúa Cha. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời muốn có nhiều con hơn là chỉ một con. Đấng Christ được gọi là Con độc sinh của Đức Chúa Trời trong Giăng 1:18 và trong Giăng 3:16, là câu Kinh-thánh nói rằng Đức Chúa Trời đã ban Con độc sinh của Ngài. Qua Rô-ma 8:29, chúng ta biết rằng trong sự phục sinh của Ngài, Con độc sinh của Đức Chúa Trời đã trở thành Con Trưởng ở giữa vòng các anh em. Trong sự phục sinh, Chúa Giê-su đã truyền cho một chị em “đi đến các anh em Ta” (Giăng 20:17) và Hê-bơ-rơ 2:11 nói rằng Ngài “không hổ thẹn mà gọi họ là anh em” vì tất cả đều sinh bởi cùng một Cha. Chỉ có một sự khác biệt duy nhất ấy là Ngài là Con Trưởng đầu tiên và chúng ta là nhiều con khác của Đức Chúa Trời.
DẪN NHIỀU CON VÀO SỰ VINH QUANG
Ngày nay, Đức Chúa Trời Tam Nhất vẫn còn đang hành động để đem các con trai Ngài vào trong sự vinh quang (Hê 2:10). Chúng ta là con của Đức Chúa Trời nhưng chúng ta chưa ở trong vinh quang. Như con tằm được biến đổi thành một con bướm thế nào thì chúng ta cũng được đưa vào trong vinh quang như thế. Ha-lê-lu-gia! Chúng ta đang trên đường đi đến vinh quang! Rồi đến một ngày, chúng ta sẽ được ở đó trong vinh quang với tư cách là các con của Đức Chúa Trời. Rô-ma 8:18-22 nói rằng toàn thể cõi sáng tạo đã sa ngã hiện bây giờ đang ở dưới ách nô lệ của sự hư hoại, thiết tha mong đợi được thấy chúng ta trong vinh quang. Vinh quang ấy sẽ là sự tự do về vinh quang của con cái Đức Chúa Trời tức là sự cứu chuộc trọn vẹn (c. 23). Thân thể chúng ta hiện giờ chưa được cứu chuộc, nhưng một ngày kia, thân thể ấy sẽ được biến hóa thành một thân thể vinh quang (Phil. 3:21). Sự cứu chuộc hoàn toàn của thân thể chúng ta là quyền làm con trọn vẹn. Linh chúng ta đã được Đức Chúa Trời sinh ra nhưng thân thể chúng ta chưa được

GIÊ-RU-SA-LEM MỚI — SỰ TỔNG KẾT SAU CÙNG
đem vào quyền làm con. Toàn cõi vũ trụ đang tha thiết mong đợi phần cuối cùng của sự cứu chuộc chúng ta. Toàn cõi sáng tạo muốn thấy tất cả các con trai của Đức Chúa Trời được đem vào vinh quang để vui hưởng quyền làm con hoàn toàn.
CÁC CON, CÁC EM VÀ CÁC CHI THỂ
Trước khi phục sinh, Đấng Christ là Con độc sinh của Đức Chúa Trời, nhưng bởi sự chết và sự phục sinh, Ngài trở thành Con Trưởng; theo sau Ngài cũng có nhiều con khác được sinh ra qua sự chết và sự phục sinh Ngài. Hiện giờ đối với Đức Chúa Trời, chúng ta là các con của Ngài, đối với Đấng Christ, chúng ta là các em của Ngài, và đối với Thân Thể Ngài, chúng ta là các chi thể. Đó là lý do tại sao chúng ta gọi nhau là anh em. Chúng ta là anh em với nhau vì chúng ta là những người em của Đấng Christ và là các con của Đức Chúa Trời. Đây là quyền làm con. Đây là một thực thể có tính cách tập thể.
SỰ QUI TỤ TOÀN DIỆN CỦA QUYỀN LÀM CON
Giê-ru-sa-lem Mới là sự qui tụ toàn diện của quyền làm con thần thượng. Chỉ có một quyền làm con thần thượng duy nhất mà thôi; tất cả chúng ta đều ở trong quyền làm con này. Trong sự phục sinh, tất cả chúng ta đều là người nam, kể cả các chị em. Trong thân thể thuộc cõi sáng tạo cũ này, chúng ta vẫn có khác biệt giữa các anh em và các chị em, nhưng trong sự phục sinh tất cả chúng ta đều là người nam, là anh em. Quyền làm con trọn vẹn sẽ được thành tựu qua việc được cất lên và sống lại sắp đến. Khi chúng ta ở tại Giê-ru-sa-lem Mới, đó sẽ là một sự qui tụ toàn diện của quyền làm con thần thượng. Quyền làm con này là để bày tỏ cách tập thể về Đức Chúa Trời vĩ đại là Đấng Tam Nhất, tức Cha, Con và Thánh Linh.
ĐỊNH TRƯỚC CHO QUYỀN LÀM CON
Quyền làm con này đáp ứng sự mong muốn mà Đức Chúa Trời đã định trước. Ê-phê-sô 1:4-5 nói rằng trước khi lập nên thế giới này, Đức Chúa Trời đã định trước cho chúng ta quyền làm con này. Khi còn trẻ, tôi thích những câu [Thánh-kinh] ấy nhưng lại tưởng rằng Đức Chúa Trời đã định trước cho tôi được lên thiên đàng. Rồi tôi nghĩ rằng tôi được tiền định để được vào trong sự cứu rỗi. Nhiều người trong chúng ta cũng tưởng như vậy. Nhiều khi đọc Kinh-thánh, chúng ta chỉ đọc trong đó điều mà tâm trí mình muốn đưa vào. Kinh-thánh không nói Đức Chúa Trời định trước để chúng ta vào thiên đàng hay được cứu rỗi. Kinh-thánh nói rằng chúng ta đã được định trước cho quyền làm con.

Trước khi dựng nên thế gian, Đức Chúa Trời đã cương quyết làm cho anh em trở nên con [của Ngài]. Mỗi người được [Ngài] chọn đều là tội nhân, thậm chí là kẻ thù của Đức Chúa Trời, nhưng Ngài có khả năng cứu chuộc để khiến anh em vốn là tội nhân và kẻ thù của Ngài trở thành con của Ngài. Đây là điều vô cùng kỳ diệu. Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta, vốn là kẻ thù của Ngài, trở nên con Ngài.

Giăng nói tất cả những ai tiếp nhận Ngài, tức là tin vào danh Ngài, sẽ được ban cho thẩm quyền để trở thành con của Đức Chúa Trời (Giăng 1:12). Đây là những người đã được sinh bởi Đức Chúa Trời. Ngài đã đến để trở thành đền tạm (Giăng 1:14), và mong muốn chúng ta tin nhận Ngài để nhờ đó chúng ta được sinh ra làm con Ngài. Ý định của Chúa Giê-su, tức đền tạm, là chúng ta được sinh ra làm con của Ngài để chúng ta trở nên các thành phần cấu tạo của đền thờ sắp đến (Giăng 2:19, 21-22).
QUYỀN LÀM CON TRONG RÔ-MA CHƯƠNG 8
Trong Rô-ma chương 8, Phao-lô rất mạnh mẽ về vấn đề quyền làm con. Rô-ma chương 8 nói: “Hễ ai được Linh của Đức Chúa Trời dẫn dắt, người ấy là con của Đức Chúa Trời” (c. 14). Đức Chúa Trời không ban cho chúng ta một linh của sự nô lệ nhưng linh của quyền làm con (c. 15). Linh Ngài cùng làm chứng với linh chúng ta rằng chúng ta là các con cái của Đức Chúa Trời (c. 16). Toàn cõi sáng tạo thiết tha mong đợi quyền làm con của chúng ta (c. 19). Hiện nay Đức Chúa Trời đang đồng hóa chúng ta theo chính hình ảnh của Con Trưởng là Đấng Christ (c. 29). Ngày nay, chúng ta là các em của Ngài, nhưng chưa được trọn vẹn. Chúng ta vẫn còn đang ở trong một tiến trình. Khi được đồng hóa theo hình ảnh của Con Trưởng,

GIÊ-RU-SA-LEM MỚI — SỰ TỔNG KẾT SAU CÙNG
chúng ta sẽ trở thành chính sự biểu hiện của Ngài cách tập thể.
SỰ BIỂU HIỆN TẬP THỂ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Trong Khải-thị, Đức Chúa Trời ngự trên ngai trông Ngài giống như bích ngọc (4:3). Sau đó, trong 21:18 Giăng nói rằng tường thành được làm bằng bích ngọc. Hai câu này cho chúng ta biết rằng Giê-ru-sa-lem Mới sẽ giống như Đức Chúa Trời. Thành này sẽ là một biểu hiện tập thể của Đức Chúa Trời.

Sự kiện Đức Chúa Trời sẽ có một biểu hiện tập thể cũng đã được tỏ ra trong việc Ngài tạo dựng con người. Trước các thời đại, Đức Chúa Trời đã tiền định cho chúng ta được quyền làm con. Rồi Ngài đã dựng nên con người theo hình ảnh của chính Ngài theo sự tiền định của Ngài, với ý định một ngày kia con người thọ tạo này sẽ trở thành một biểu hiện tập thể của Ngài. Hiện nay ngày ấy chưa đến. Khi nào bốn thời đại hoàn tất — tức là thời đại tổ phụ, luật pháp, ân điển và vương quốc — thì công tác của Đức Chúa Trời nhằm đồng hóa chúng ta theo hình ảnh của Con Trưởng sẽ được hoàn thành. Rồi chúng ta sẽ trở nên một thực thể tập thể sống động mang hình ảnh của Đức Chúa Trời.

Giê-ru-sa-lem Mới là một tập hợp của toàn thể các con [của Đức Chúa Trời] như một sự biểu hiện tập thể duy nhất. Đây là một cơ cấu tập thể bao gồm mọi thánh đồ yêu dấu đã được Đức Chúa Trời cứu chuộc trong mọi thời đại, Cựu Ước lẫn Tân Ước. Họ cùng nhau trở nên thành phần cấu tạo của thành thánh này, tức sự qui tụ toàn diện của quyền làm con thần thượng, để bày tỏ Đức Chúa Trời một cách tập thể hầu đáp ứng lòng mong muốn của Đức Chúa Trời như đã được bày tỏ khi Ngài dựng nên con người theo ảnh tượng của chính Ngài. Khải-thị chương 21 và 22 là sự ứng nghiệm của Sáng-thế Ký 1:26 — Đức Chúa Trời có được một người theo hình ảnh của chính Ngài.
HAI HẠNG NGƯỜI
Trong trời mới và đất mới có hai hạng người. Một hạng là các con [của Đức Chúa Trời] và hạng kia là các dân tộc. Khi ở trong Giê-ru-sa-lem Mới, chúng ta sẽ là các con của Đức Chúa Trời chứ không phải là dân của Đức Chúa Trời.
Anh quốc có một hoàng gia. Hoàng gia ấy không phải là “thường dân” nhưng là những người cai trị. Hỡi thánh đồ, anh em có bao giờ nghĩ rằng mình không phải là hạng thường dân không? Anh em thuộc gia đình hoàng tộc. Giăng nói trong Khải-thị 1:6 rằng Đấng Christ đã làm chúng ta thành “một vương quốc, các thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời và Cha của Ngài”. Chúng ta là các con của Đức Chúa Trời toàn năng, tức là Vua của các vua. Sự kiện này khiến chúng ta trở nên các thành viên, người nhà của gia đình hoàng tộc. Chúng ta không những chỉ là con của Đức Chúa Trời nhưng cũng là các thành viên của hoàng tộc.
Khải-thị 21:3 nói rằng: “Họ sẽ là các dân của Ngài”. Sau đó, Ngài phán trong 21:7 rằng: “Người nào đắc thắng... sẽ là con trai của Ta”. Khải-thị 21:24 lại nói về “các dân”. Các dân sẽ bước đi bởi ánh sáng của thành thánh. Chúng ta, là các con trai, là hoàng tộc, sẽ là thành thánh. Vậy đối với Đức Chúa Trời, các con của Ngài thuộc một loại và dân Ngài thuộc một loại khác.

Tại Luân-đôn, tôi được đưa đi xem cảnh lính gác đổi phiên tại trước cổng cung điện Buckingham. Ngay cả trong thành phố lớn Luân-đôn cũng có một “thành phố nhỏ” gọi là điện Buckingham, nơi hoàng gia cư ngụ. Giê-ru-sa-lem Mới sẽ là “Cung điện Buckingham” thiên thượng, thuộc linh, thần thượng và đời đời. Chung quanh thành phố hoàng gia ấy là các dân.

Trong trời mới và đất mới, chúng ta sẽ không phải là dân chúng, các quốc gia, nhưng là các con trai. Các con của Đức Chúa Trời trong Khải-thị 21:6-7 là những người đã được sinh bởi Đức Chúa Trời qua sự tái sinh (Giăng 1:12-13; 1 Phi. 1:3, 4, 23; Gia-cơ 1:18). Họ được xây dựng với nhau qua sự biến đổi (1 Côr. 3: 9-12a; Êph. 2:20-22; 1 Phi. 2:4-6; 2 Côr. 3:18; Rô 12:2; Êph. 4:23-24). Họ sẽ được vinh hóa trong sự đồng hóa hoàn toàn để trở nên một biểu hiện tập thể của Đức Chúa Trời Tam Nhất (Rô 8:29-30; Hê 2:10; Khải 21:11). Các dân ở ngoài thành Giê-ru-sa-lem Mới là những người không được sinh lại, biến đổi hay vinh hóa. Chúng ta khác biệt với các dân.

GIÊ-RU-SA-LEM MỚI — SỰ TỔNG KẾT SAU CÙNG 159
Các Con của Đức Chúa Trời
Loại người đã được tái sinh, biến đổi, vinh hóa và đồng hóa sẽ là những thành phần cấu tạo nên Giê-ru-sa-lem Mới. Ngày nay, là chi thể của Thân Thể Đấng Christ, các tín đồ là những thành phần cấu tạo của hội-thánh, tức là nhà của Đức Chúa Trời và vợ của Đấng Christ. Hội-thánh không phải là một kiến ốc. Hội-thánh là một cơ cấu tổng hợp sống động gồm tất cả các chi thể sống động của Đấng Christ. Tập hợp sống động này là một cơ cấu hữu cơ chứ không phải là một tổ chức. Hễ những người ấy ở đâu thì ở đấy có một cơ cấu hữu cơ. Chúng ta ở đây như một cơ cấu hữu cơ tức hội-thánh. Nếu chúng ta dời qua ở tại Mi ami thì cơ cấu hữu cơ này cũng có tại Mi ami.

Những thành phần cấu tạo này, tức các con trai được tái sinh, biến đổi, vinh hóa và đồng hóa trở thành nhà của Đức Chúa Trời và vợ của Đấng Christ (Khải 21:3, 9), trong cõi đời đời, sẽ ăn trái cây sự sống và uống nước sự sống. Hai điều trên sẽ là sự vui hưởng chính yếu, quan hệ và căn bản của các con Đức Chúa Trời. Khải-thị 22:14 hứa rằng chúng ta sẽ có quyền ăn cây sự sống. Khải-thị 22:17 là một lời kêu gọi để đến uống nước. Hai điều trên sẽ là sự vui hưởng căn bản trong Giê-ru-sa-lem Mới cho đến đời đời.

Rồi chúng ta sẽ hầu việc Đức Chúa Trời và Chiên Con (Khải 22:3) như các nô lệ của Ngài cho đến đời đời. Chúng ta sẽ là các vua cai trị trên các quốc gia tức các dân tộc cho đến đời đời. Khải-thị 22:5 nói “chúng ta sẽ cai trị đời đời mãi mãi”. Với tư cách là con của Đức Chúa Trời, các tín đồ sẽ đều là vua. Các thiên sứ sẽ là những người phục vụ (Hê 1:13, 14), để hầu việc chúng ta. Họ là các tôi tớ của hoàng gia và chúng ta sẽ là các vua cai trị trên mọi dân. Đây là vương quốc của Đức Chúa Trời trong cõi đời đời.
Các Dân Của Đức Chúa Trời
Các dân của Đức Chúa Trời trong Khải-thị chương 21 là phần còn sót lại của các con chiên đã được mô tả trong Ma-thi-ơ 25:31-46. Khi Chúa Giê-su tái lâm, Ngài sẽ ngồi trên ngai vinh hiển của Ngài tại Giê-ru-sa-lem và tập họp tất cả các dân còn sống từ các quốc gia khác nhau trước mặt Ngài. Họ sẽ được phân loại là chiên hay dê, và Ngài sẽ phán xét họ. Dê là những người ở bên tay trái Ngài sẽ đi thẳng xuống hồ lửa. Còn các con chiên ở bên phải Ngài sẽ hưởng vương quốc ngàn năm mà Đức Chúa Trời đã sửa soạn sẵn cho họ từ khi thế gian được tạo dựng. Trước khi thế gian được tạo dựng, chúng ta đã được định trước cho quyền làm con, nhưng kể từ khi thế gian được tạo dựng, Đức Chúa Trời đã sắm sẵn một ngàn năm cho những chiên ấy. Thật có sự khác biệt.

Sự phán xét này sẽ không xảy ra tại ngai trắng lớn (Khải 20:11), tiếp theo thời đại ngàn năm. Nhưng sự phán xét sẽ xảy ra tại ngai vinh hiển của Đấng Christ trước thời đại ngàn năm. Sự phán xét ấy sẽ không dựa theo luật pháp Môi-se cũng không theo phúc-âm ân điển nhưng theo phúc-âm đời đời (Khải 14:6-7). Có nhiều Cơ-đốc-nhân chưa bao giờ nghe đến phúc-âm đời đời này. Phúc-âm đời đời này không bao gồm sự cứu chuộc hay sự tha tội nhưng bao gồm hai điều: kính sợ Đức Chúa Trời và thờ phượng Ngài. Phúc-âm này sẽ được một thiên sứ rao giảng vào thời kỳ đại nạn kéo dài ba năm rưỡi. Đây là lúc mà Anti-Christ sẽ làm bất cứ mọi sự để bắt bớ người Do-thái và Cơ-đốc-nhân. Trong Ma-thi-ơ chương 25, theo như bản án phán xét của Đấng Christ, cả người Do-thái và Cơ-đốc nhân, sẽ được “các chiên” đối xử khá tốt (cc 34-36). Tuy nhiên, có rất nhiều người sẽ theo Anti-Christ mà bắt bớ người Do-thái và Cơ-đốc-nhân. Đấng Christ sẽ theo đó mà phán xét và sự phán xét này sẽ theo tiêu chuẩn của phúc-âm đời đời.

Chiên sẽ được đưa vào vương quốc ngàn năm để trở thành thần dân vương quốc, và những thánh đồ đắc thắng sẽ là vua trị vì trên họ (Khải 20:4, 6). Chiên sẽ được phục hồi theo tình trạng nguyên thủy của con người như đã được Đức Chúa Trời sáng tạo và sẽ là công dân của vương quốc ngàn năm để vui hưởng ơn phước của sự phục hồi (Công 3:21). Sự phục hồi đây không phải là sự tái sinh. Tái sinh là sinh lại với một sự sống khác tức sự sống của Đức Chúa Trời, nhưng được hồi phục là được mang trở lại tình trạng nguyên thủy của sự sáng tạo của Đức Chúa Trời.
Vào cuối thời đại ngàn năm, sau khi được thả ra, Sa-tan sẽ xúi

GIÊ-RU-SA-LEM MỚI — SỰ TỔNG KẾT SAU CÙNG 161
giục một cuộc nổi loạn cuối cùng chống lại Đức Chúa Trời (Khải 20:7-9). Nhiều chiên sẽ tham gia cuộc nổi loạn của Sa-tan và sẽ bị đốt cháy bởi lửa từ trên trời. Phần chiên còn lại sẽ được chuyển qua đất mới để làm các dân (Khải 21:24). Đức Chúa Trời sẽ đóng trại giữa họ, tức các dân (Khải 21:3). Họ sẽ được cai trị bởi các con trai của Đức Chúa Trời là các vua (22:5). Đối với họ sẽ không có sự chết, buồn bã, khóc lóc, đau đớn hoặc rủa sả (21:4; 22:3a). Họ sẽ được duy trì sự sống đời đời bởi lá của cây sự sống (22:2). Chúng ta sẽ ăn trái nhưng các dân sẽ vui hưởng lá. Họ sẽ bước đi bởi ánh sáng của thành thánh (21:24a). Cùng với các vua, họ sẽ mang vinh quang và vinh dự của mình đến thành thánh. Họ sẽ tôn trọng thành ấy và xem thành ấy là thẩm quyền trên mình.
Cái Nhìn Sau Cùng
Các thánh đồ trải qua mọi thời đại, tức những người đã được cứu chuộc, sẽ là những người được sinh lại, là các con trai của Đức Chúa Trời, thuộc về hoàng tộc. Họ sẽ là các vua cho đến đời đời. Phần còn lại của những người vô tín đã được phục hồi sẽ là các dân, các nước, bước đi trong ánh sáng của thành và được các thánh đồ cai trị. Ngoài ra còn có một hạng người khác là những người bị hư mất. Những người vô tín hư mất sẽ bị ở trong hồ lửa (21:8). Điều trên cho chúng ta một cái nhìn tổng quát về trời mới và đất mới.