Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

CUỘC SỐNG VỚI BÀN THỜ VÀ LỀU TRẠI


Kinh Thánh: Sáng 12:7-8; 13:3, 4, 18

Cuộc sống của Cơ-đốc nhân là một cuộc sống với bàn thờ và lều trại. Bàn thờ là [thái độ] đối với Đức Chúa Trời trong khi lều trại là [thái độ] đối với thế gian. Trong sự hiện diện của Ngài, Đức Chúa Trời yêu cầu con dân Ngài phải có bàn thờ, và trên đất này, Ngài yêu cầu họ sống trong lều trại. Bàn thờ đòi hỏi phải có lều trại, và ngược lại, lều trại đòi hỏi phải có bàn thờ. Không thể có bàn thờ mà không có lều trại, và cũng không thể có lều trại mà không có bàn thờ. Bàn thờ và lều trại liên quan hỗ tương với nhau, không thể tách rời ra được.


CUỘC SỐNG VỚI BÀN THỜ

Sáng-thế Ký 12:7 chép: “Chúa hiện ra cùng Áp-ram mà phán rằng: Ta sẽ ban cho dòng dõi ngươi đất này! Rồi tại đó Áp-ram lập một bàn thờ cho Chúa, là Đấng đã hiện đến cùng người”. Trong câu này, chúng ta thấy bàn thờ dựa trên sự hiện ra của Đức Chúa Trời. Nơi nào không có sự hiện ra của Đấng thần thượng, thì cũng không có bàn thờ. Không ai có thể dâng chính mình cho Đức Chúa Trời, trừ khi trước hết người đó đã gặp Ngài. Nếu Đức Chúa Trời chưa hiện ra cho một người, người ấy không thể dâng mọi sự mình có cho Ngài. Sự dâng hiến không phải là kết quả của sự thúc giục và thuyết phục của con người, nhưng do sự khải thị của Đức Chúa Trời. Không ai có thể tình nguyện dâng mọi sự mình có trên bàn thờ nếu trước hết Đức Chúa Trời chưa hiện ra với người ấy. Theo thiên nhiên, không ai có thể dâng chính mình cho Đức Chúa Trời. Ngay cả khi một người thật muốn dâng chính mình cho Đức Chúa Trời, người ấy sẽ khám phá rằng mình thật sự không có gì để dâng.

 Một vài người đã nói: “Tôi muốn dâng tấm lòng tôi cho Chúa, nhưng lòng tôi không đồng ý”. Con người không thể tiến về phía Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, khi một người gặp Đức Chúa Trời, sự dâng mình tự phát xảy ra trong đời sống người ấy. Nếu anh em thấy Đức Chúa Trời chỉ một lần và chạm đến Ngài chỉ một lần, anh em sẽ không còn thuộc về chính mình nữa. Đức Chúa Trời là Đấng chúng ta không thể chạm đến cách hời hợt! Một khi có ai chạm đến Đức Chúa Trời, người ấy sẽ không còn sống cho chính mình nữa. Chúng ta cần nhận thức rằng quyền năng để dâng mình cho Đức Chúa Trời đến từ sự hiện ra của Ngài, đến từ sự khải thị của Ngài. Những ai nói về sự dâng mình không hẳn là người đã dâng chính mình cho Ngài. Không phải bất cứ ai giảng về sự dâng mình hay hiểu giáo lý về sự dâng mình đều là người đã dâng mình. Chỉ có những ai từng thấy Đức Chúa Trời mới là những con người dâng mình. Đức Chúa Trời hiện ra với Áp-ra-ham, và kết quả tức khắc là Áp-ra-ham xây một bàn thờ cho Ngài. Chúa Giê-su hiện ra cho Phao-lô trên đường đến thành Đa-mách, và ngay lập tức, Phao-lô hỏi: “Thưa Chúa, tôi phải làm gì?” (Công 22:10).

Chúng ta đến một khúc quanh trong đời sống thuộc linh của mình không phải vì chúng ta quyết định làm một điều gì cho Đức Chúa Trời, cũng không do chúng ta quyết tâm thực hiện điều này hay điều kia cho Đức Chúa Trời, mà do chúng ta thấy Ngài. Khi chúng ta gặp Đức Chúa Trời, một sự thay đổi tận gốc rễ xảy ra trong đời sống của mình. Chúng ta không còn có thể làm những gì mình đã làm trong quá khứ. Khi gặp chính Đức Chúa Trời, chúng ta có quyền năng để từ bỏ mình. Vấn đề từ chối bản ngã không còn là sự lựa chọn khi chúng ta đã gặp Đức Chúa Trời. Sự hiện ra của Ngài khiến cho một người không nào tự mình tiến lên, mà bắt buộc người ấy không còn tự mình mà sống nữa. Sự hiện ra của Đức Chúa Trời đem theo một quyền năng vô hạn. Một sự hiện ra như vậy sẽ thay đổi toàn bộ lối sống của một người. Đối với một Cơ-đốc nhân, quyền năng để sống cho Đức Chúa Trời dựa trên khải tượng người ấy nhận được về chính Ngài. Ôi, không phải quyết định phục vụ Chúa sẽ làm cho chúng ta có khả năng hầu việc Ngài. Không phải ý muốn xây dựng bàn thờ của chúng ta sẽ tạo nên một bàn thờ. Bàn thờ được xây dựng khi Đức Chúa Trời đến với một người. Tạ ơn Chúa vì Ngài không bắt buộc phải nói một điều gì khi Ngài hiện ra. Tuy nhiên, nhiều lần khi hiện ra, Ngài quyết định nói một điều gì đó. Khi hiện ra với Áp-ra-ham, Ngài phán với ông: “Ta ban cho dòng dõi ngươi xứ này” (Sáng 15:18). Sự hiện ra của Đức Chúa Trời đem chúng ta vào một cơ nghiệp mới, làm cho chúng ta nhận thức rằng Thánh Linh đã được ban cho chúng ta như phần đặt cọc của cơ nghiệp mà về sau chúng ta sẽ sở hữu trọn vẹn. Phần chúng ta nhận lãnh hôm nay trong Thánh Linh sẽ thuộc về chúng ta trọn vẹn trong tương lai. Khi kế hoạch của Đức Chúa Trời được hoàn thành, chúng ta sẽ bước vào cơ nghiệp đầy trọn. Đức Chúa Trời hiện ra cùng Áp-ra-ham, và Áp-ra-ham xây dựng một bàn thờ. Bàn thờ này không phải để dâng của lễ chuộc tội nhưng để dâng của lễ thiêu. Của lễ chuộc tội là để cứu chuộc, trong khi của lễ thiêu là sự dâng chính mình chúng ta cho Đức Chúa Trời. Bàn thờ ở đây không chỉ về cái chết của Giê-su thay thế cho chúng ta, nhưng chỉ về việc chúng ta dâng mình cho Đức Chúa Trời. Đó là bàn thờ được nói đến trong Rô-ma 12:1: “Vì vậy, các anh em ơi, do sự thương xót của Đức Chúa Trời, tôi nài khuyên anh em dâng thân thể của mình làm một sinh tế sống, thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự phụng sự phải lẽ của anh em”. Sự thương xót của Đức Chúa Trời khiến Chúa Giê-su chết cho chúng ta. Sự thương xót của Đức Chúa Trời đã cung ứng thập tự giá tại đó chúng ta đồng chết với Ngài và tại đó ma quỉ đã bị xử lý. Do sự thương xót của Đức Chúa Trời chúng ta có sự sống Ngài bên trong, và bởi sự thương xót ấy, Ngài sẽ đem chúng ta vào vinh quang. Trên nền tảng sự thương xót của Ngài mà Đức Chúa Trời nài khuyên chúng ta dâng chính mình như sinh tếsống cho Ngài.

Về của lễ thiêu, chúng ta nên lưu ý rằng một người có của cải dư dật có thể dâng một con bò, một người ít của cải hơn có thể dâng một con chiên, và thậm chí người nào có phương tiện hạn hẹp hơn nữa có thể dâng một con chim cu hay một con bồ câu (Lê 1:3, 10, 14). Nhưng dầu dâng bò, chiên, hay chim cu, chim bồ câu, người dâng phải dâng nguyên vẹn [sinh tế]. Không ai được dâng nửa con bò hay nửa con chiên. Đức Chúa Trời muốn mọi sự nguyên vẹn, Ngài không bằng lòng với một của lễ chỉ dâng một nửa. Ngài không thể chấp nhận bất cứ điều gì kém hơn một sự dâng hiến tuyệt đối.

Của lễ thiêu được đặt trên bàn thờ với mục đích gì? Ấy là để được thiêu đốt trọn vẹn. Nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng chúng ta dâng mình cho Đức Chúa Trời để làm điều này, điều kia cho Ngài, trong khi những gì Ngài muốn nơi chúng ta là một sự thiêu đốt. Ngài không cần một con bò để cày ruộng cho Ngài, Ngài muốn có một con bò bị đốt trên bàn thờ. Đức Chúa Trời không theo đuổi công việc của chúng ta, mà là chính chúng ta. Ngài muốn chúng ta dâng mình cho Ngài và bị thiêu đốt vì Ngài. Bàn thờ không mang ý nghĩa là làm một điều gì đó cho Đức Chúa Trời mà là sống cho Đức Chúa Trời. Bàn thờ không mang ý nghĩa là có những sinh hoạt bận rộn, nhưng là có một cuộc sống vì Đức Chúa Trời. Không một sinh hoạt hay công việc nào có thể thay thế bàn thờ. Bàn thờ là một cuộc đời hoàn toàn vì Đức Chúa Trời. Không giống như sinh tế trong Cựu Ước là sinh tế hoàn toàn bị thiêu đốt một lần, sinh tế thời Tân Ước, như được mô tả trong Rô-ma chương 12, là việc chúng ta dâng thân thể mình làm sinh tế sống. Hằng ngày chúng ta bị thiêu đốt trên bàn thờ, tuy nhiên hằng ngày chúng ta vẫn sống, chúng ta sống mãi, nhưng đã bị thiêu đốt mãi mãi. Đó là sinh tế trong thời Tân Ước.

Đức Chúa Trời hiện ra với Áp-ra-ham, và Áp-ra-ham dâng chính mình cho Đức Chúa Trời. Khi một người thấy Đức Chúa Trời, người ấy sẽ dâng chính mình hoàn toàn cho Đức Chúa Trời. Một người không thể thấy Đức Chúa Trời mà vẫn lãnh đạm. Bàn thờ hiện diện ngay khi một người thấy Đức Chúa Trời. Khi có ai nếm biết ân điển của Ngài, thì sẽ sinh ra kết quả là bàn thờ. Khi một người thấy sự thương xót của Đức Chúa Trời, người ấy trở nên một sinh tế sống. Khi ánh sáng của Chúa đến, người ấy sẽ nói: “Thưa Chúa, tôi phải làm chi?”

Áp-ra-ham không nghe nhiều giáo lý về sự dâng mình, cũng chưa từng được ai thúc giục dâng chính mình. Nhưng Áp-ra-ham đã thấy Đức Chúa Trời, và khi ông thấy Ngài, ngay lập tức ông xây một bàn thờ cho Ngài. Anh chị em ơi, dâng mình là một điều tự phát. Bất cứ ai mà Đức Chúa Trời đã bày tỏ chính Ngài cho thì không thể làm gì khác hơn là sống cho Ngài. Một khi Đức Chúa Trời hiện ra cho một người, người ấy sẽ sống hoàn toàn cho Ngài. Điều đó cũng đúng đối với Áp-ra-ham và cũng đúng đối với tất cả những ai đã gặp Ngài trong suốt hai ngàn năm lịch sử hội-thánh.

CUỘC SỐNG LỀU TRẠI

Bàn thờ dẫn đến lều trại. Sáng-thế Ký 12:8 nói: “Từ đó người dời đến một ngọn núi ở về phía đông Bê-tên, rồi đóng trại”. Từ đó về sau, Áp-ra-ham sống trong nhà Đức Chúa Trời, là Bê-tên. Từ đó ông sống trong lều. Thật ra ông đã sống trong lều từ trước, nhưng Đức Chúa Trời không đề cập đến điều đó. Mãi đến khi ông xây bàn thờ xong, Lời Đức Chúa Trời mới nhắc đến lều trại. Lều trại là gì? Lều trại là một vật dụng có thể di chuyển được, nó không “mọc rễ” ở đâu cả. Qua bàn thờ, Đức Chúa Trời xử lý chúng ta, qua lều trại, Ngài xử lý tài sản của chúng ta. Tại bàn thờ, Áp-ra-ham dâng mọi sự của mình cho Đức Chúa Trời. Có phải từ đó về sau ông bị tước đoạt mọi sự, kể cả y phục và mọi của cải không? Không! Áp-ra-ham vẫn sở hữu bò, chiên và nhiều điều khác, nhưng ông đã trở thành một người cư ngụ trong lều. Những gì chưa được thiêu đốt trên bàn thờ chỉ có thể được giữ lại trong lều trại. Ở đây chúng ta có một nguyên tắc. Mọi sự chúng ta có cần phải được đặt trên bàn thờ. Nhưng vẫn còn lại một số điều. Đây là những điều để chúng ta sử dụng. Tuy nhiên, chúng không thuộc về chúng ta, chúng phải được bỏ lại trong lều. Chúng ta phải nhớ rằng bất cứ điều gì chưa trải qua bàn thờ thì không thể ở trong lều trại.  Nhưng không phải mọi điều trải qua bàn thờ đều bị thiêu đốt. Nhiều điều bị lửa thiêu đốt và không còn nữa. Khi chúng ta dâng nhiều điều cho Đức Chúa Trời, Ngài nhận lấy chúng và không còn lại gì. Nhưng Đức Chúa Trời để lại một vài điều trên bàn thờ cho chúng ta sử dụng. Những gì đã trải qua bàn thờ và để cho chúng ta sử dụng chỉ có thể được cất giữ trong lều trại.

Đời sống của Áp-ra-ham là một đời sống liên quan đến bàn thờ. Một ngày kia, thậm chí con trai một của ông cũng được dâng trên đó. Nhưng Đức Chúa Trời đã làm gì với Y-sác? Ngài không cất Y-sác đi. Những gì anh em đặt trên bàn thờ, Đức Chúa Trời chấp nhận. Ngài không thể cho phép anh em sống cho chính mình, cho niềm vui của mình, bởi sức lực riêng của mình. Bàn thờ đòi hỏi mọi sự của anh em, nhưng không phải tất cả những gì đặt trên bàn thờ đều bị thiêu đốt. Nhiều điều được đặt trên bàn thờ giống như Y-sác. Đức Chúa Trời trả chúng lại cho anh em. Tuy nhiên, những điều ở trong tay anh em không còn được kể là của anh em nữa, chúng chỉ có thể được giữ trong lều trại. Vài người hỏi: “Nếu tôi dâng tất cả cho Đức Chúa Trời, tôi có phải bán hết của cải và bỏ hết tiền bạc của mình không? Nếu tôi dâng chính mình cho Đức Chúa Trời, tôi có thể có bao nhiêu bàn ghế trong nhà và bao nhiêu quần áo trong tủ?” Vài người thật sự bối rối với những câu hỏi như vậy. Nhưng chúng ta cần nhớ rằng mình có hai cuộc sống. Chúng ta có một cuộc sống trước mặt Đức Chúa Trời, và cũng có một cuộc sống trong thế gian. Khi sống trước mặt Đức Chúa Trời, mọi sự phải thật được đặt trên bàn thờ, nhưng khi sống trong thế gian, chúng ta vẫn cần nhiều điều vật chất. Trong khi sống trong thế gian, chúng ta cần quần áo, thức ăn và nơi ở. Chúng ta nên dâng tất cả cho Đức Chúa Trời và sống cho một mình Ngài, nhưng nếu Ngài nói chúng ta có thể giữ lại một điều gì đó, thì chúng ta có thể giữ lại. Tuy nhiên, chúng ta phải áp dụng nguyên tắc lều trại cho tất cả những điều thuộc thể mà Ngài cho phép chúng ta giữ, vì chúng được ban lại cho chúng ta để đáp ứng nhu cầu của mình trong thế gian này. Nếu không cần chúng, chúng ta nên rũ bỏ. Chúng ta có thể sử dụng chúng, nhưng không được để chúng đụng đến chúng ta. Chúng ta có thể sở hữu chúng hay bỏ chúng đi, có thể đem cho người khác, hay bị cất đi. Đó là đời sống lều trại.

Nguyện chúng ta học được bài học này. Chúng ta không dám dùng bất cứ điều gì chưa được đặt trên bàn thờ, chúng ta không lấy gì lại từ bàn thờ, và những gì Đức Chúa Trời ban lại phải được giữ theo nguyên tắc lều trại.

BÀN THỜ THỨ HAI

Sáng-thế Ký 12:8 chép: “Từ đó, người dời đến một ngọn núi về phía đông Bê-tên, rồi đóng trại; phía tây có Bê-tên, phía đông có A-hi. Đoạn, người lập tại đó một bàn thờ cho Chúa”. Đó là bàn thờ thứ hai của Áp-ra-ham. Bàn thờ dẫn đến lều trại, và lều trại lại dẫn đến bàn thờ. Với bàn thờ, không có gì thuộc về chúng ta nữa, và bất cứ điều gì còn lại từ bàn thờ, đều được đặt trong lều trại. Không một điều gì có thể chiếm hữu lòng chúng ta, lương tâm được bình an trước mặt Đức Chúa Trời, và chúng ta có thể dạn dĩ nói với Ngài: “Con không nắm giữ lại một điều nào đã dâng cho Ngài cả”. Bằng cách ấy, lều trại dẫn chúng ta trở lại với bàn thờ. Nếu tài sản của chúng ta đã mọc rễ và chúng ta không thể buông chúng ra hay lay chuyển chúng chút nào, thì chúng ta đã bị chúng trói buộc, và không thể có bàn thờ thứ hai.

Khi chúng ta dâng chính mình trên bàn thờ và tận hiến tất cả cho Đức Chúa Trời, Ngài để lại một số điều nào đó cho chúng ta sử dụng, nhưng chúng ta không có quyền quyết định giữ những gì trong lều trại và đem những gì ra khỏi lều trại trở lại bàn thờ. Mọi sự trước hết phải trải qua bàn thờ. Bất cứ điều gì Đức Chúa Trời cho chúng ta sử dụng, chúng ta có thể để chúng trong lều. Nhưng chúng ta vẫn phải hỏi Đức Chúa Trời về tất cả những vật dụng trong lều, chúng ta chỉ có thể giữ những gì Đức Chúa Trời cho phép mình giữ. Chúng ta không thể quyết định giữ bất cứ điều gì cho chính mình. Trước hết mọi sự phải trải qua bàn thờ. Trước hết chúng ta phải để Đức Chúa Trời kiểm tra mỗi một món trước khi đặt chúng trong lều. Tất cả những gì ở trong lều có thể lại được đặt lên bàn thờ bất cứ lúc nào. Nếu một lúc nào đó, Đức Chúa Trời phán: “Con không cần điều này”, chúng ta nên từ bỏ nó ngay. Nếu chúng ta bám lấy nó và nói: “Điều này của con”, thì trong lòng mình, chúng ta đã từ bỏ bàn thờ và không còn dâng mình nữa. Chúng ta không thể trở về bàn thờ thứ hai và nói với Đức Chúa Trời rằng chúng ta sống là sống cho Ngài. Đức Chúa Trời đòi hỏi mọi sự chúng ta có đều được đặt trên bàn thờ, và những gì Ngài để lại, chúng ta có thể đặt chúng trong lều trại. Chúng ta chỉ có được bàn thờ thứ hai khi mọi sự đều ở trong lều. Kinh nghiệm quí báu nhất là kinh nghiệm của bàn thờ thứ hai. Chúng ta rất dễ bị khuấy động, trở nên nhiệt thành, và dâng mình. Nhưng năm ba năm sau, chúng ta lại thâu góp nhiều điều của thế gian, rồi không thể trở lại bàn thờ nữa. Nhưng thật quí báu nếu chúng ta có thể luôn luôn là những người cư ngụ trong lều trại và xây một bàn thờ thứ hai. Nan đề không ở nơi của cải, mà ở nơi sự dâng mình của chúng ta có bền vững không.

KHÔI PHỤC BÀN THỜ VÀ LỀU TRẠI

Áp-ra-ham có những thất bại của mình. Trong tiểu sử của ông, có một lần ông lìa bỏ bàn thờ và lều trại mà đi xuống Ai-cập. Nhưng có một sự khôi phục. Sự khôi phục này đến như thế nào? Sáng-thế Ký 13:3-4 chép: “Người tiếp tục cuộc hành trình, từ phương Nam trở về Bê-tên, đến nơi người đã đóng trại ban đầu, giữa khoảng Bê-tên và A-hi, là nơi đã lập một bàn thờ lúc trước. Ở đó Áp-ram kêu cầu danh Chúa”. Sự khôi phục là vấn đề trở lại bàn thờ và lều trại. Ai trong anh em đã từng thất bại? Ai trong anh em từng trợt chân vấp ngã và phản bội mục tiêu của đời mình? Ai trong anh em đã đi xuống Ai-cập, để rồi bây giờ anh em có những đòi hỏi riêng, hi vọng riêng, mối quan tâm riêng, và những khát vọng riêng? Nếu đang tìm đường khôi phục, anh em phải trở lại bàn thờ và lều trại. Lời Đức Chúa Trời cho chúng ta thấy sự khôi phục của Áp-ra-ham bao gồm việc ông trở về “nơi người đã đóng trại ban đầu,... là nơi đã lập một bàn thờ lúc trước”.

Khôi phục là trở về với bàn thờ và lều trại. Sau sự khôi phục của Áp-ra-ham, điều gì đã xảy ra? Sáng-thế Ký 13:18 chép: “Đoạn, Áp-ra-ham dời trại mình đến ở tại đồng bằng Mam-rê, thuộc về Hếp-rôn, và lập tại đó một bàn thờ cho Chúa”. Hếp-rôn là nơi tương giao với Đức Chúa Trời, đó là địa điểm tương giao liên tục và đời đời. Áp-ra-ham cư ngụ tại Hếp-rôn, và tại Hếp-rôn, ông xây một bàn thờ khác cho Đức Chúa Trời. Nếu muốn ở trong sự tương giao với Đức Chúa Trời, chúng ta đừng bao giờ lìa bỏ bàn thờ. Nguyện Đức Chúa Trời nhân từ đối với chúng ta và làm cho chúng ta thấy tầm quan trọng của sự dâng mình để chúng ta có thể sống một cuộc đời với bàn thờ và lều trại!
(W. Nee)