Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

Bất Ái Thế Giới-11

CƯỚP TÀI SẢN KẺ CHIẾM ĐOẠT
“Christ Giê-su đã đến trong thế giới để cứu tội nhân”. Vì trong mục đích đời đời của Đức Chúa Trời, con người (chứ không phải hữu thể nào khác) có quyền thống trị, nên khi lòng thương xót dành cho các tội nhân dấy lên trong chúng ta thì đó là điều tự nhiên và đúng đắn. Bất kể những gì đã được bàn đến nay, chúng ta có thể cảm thấy trong ngày ân điển ngắn ngủi này, việc chinh phục tội nhân cho Cứu Chúa của thế gian có lẽ là phương tiện cao cả nhất mà chúng ta có được để cướp tài sản của Sa-tan. Chắc chắn chính “con người” là chủ đề của chúng ta; vì vậy, chúng ta nên dành nhiều thì giờ ở điểm này để bàn về đề tài chinh phục hồn người.

Nhưng chúng ta đã bàn đến vấn đề truyền giáo ở một chỗ khác1. Vì vậy, thay vào đó, để kết thúc loạt bài nghiên cứu về “thế gian”, tôi đề nghị chúng ta nên lấy một khía cạnh khác có tính cách vật chất hơn trong lãnh vực của Sa-tan bằng những sự minh họa thực tế về nghệ thuật “tước đoạt tài sản của kẻ mạnh mẽ”. Tôi muốn nói đến khía cạnh về tài chánh.

Tiền bạc chống nghịch với Đức Chúa Trời. Lời Đức Chúa Trời nói tiền bạc là ma-môn của sự bất chính (Lu 16:9). Vì Chúa Giê-su phán: “Hãy dùng ma-môn bất chính mà kết bạn”, rõ ràng Ngài không có ý chỉ về ma-môn là những gì anh em có được do làm ăn bất chính. Vì vậy, Ngài nói rằng chính ma-môn là bất chính. Những gì phô bày trước mặt chúng ta đây không phải là phương tiện bất chính để kiếm tiền, cũng không phải cách sử dụng tiền bất chính, nhưng là tính chất bất chính của tiền bạc. Tiền bạc vốn là xấu, ác. Chúng ta thường nói về “tiền bạc trong sạch” và “tiền bạc dơ bẩn”, nhưng theo cái nhìn của Đức Chúa Trời, chỉ có loại tiền bạc dơ bẩn mà thôi. Những người biết Đức Chúa Trời đều biết tính chất của tiền bạc. Họ biết rằng tiền bạc tự nó là xấu.
Nếu muốn thử nghiệm tính chất của một điều gì, anh em chỉ cần hỏi xem điều đó dẫn anh em đến với Đức Chúa Trời hay xa khỏi Ngài. Tiền bạc luôn luôn dẫn anh em xa khỏi Đức Chúa Trời. Trong câu 13, Chúa Giê-su đã đặt một nguyên tắc rõ ràng, đó là không thể hầu việc cả Đức Chúa Trời lẫn ma-môn, dầu tôi nghĩ rằng ngay cả nếu không có lời tuyên bố của Ngài, hầu hết mọi người trong chúng ta cũng đều được thuyết phục như vậy. Vì kinh nghiệm cho chúng ta biết Đức Chúa Trời và ma-môn không bao giờ đứng về một phía; ma-môn luôn luôn được đặt chống nghịch với Đức Chúa Trời.

Đương nhiên là chúng ta có thể giải thích lời của Chúa Giê-su cách phóng khoáng hơn, và xem “ma-môn” tượng trưng cho tất cả những gì nói chung nghịch lại Đức Chúa Trời. Nhưng sứ đồ Phao-lô giúp chúng ta vạch rõ tiền bạc là phương tiện thế gian sử dụng thành công nhất để kéo chúng ta xa khỏi Đức Chúa Trời. Ông nói: “Còn như người muốn giàu có thì rơi vào sự cám dỗ, lưới bẫy và nhiều sự tham muốn ngu dại và tổn hại, là những điều khiến người ta đắm chìm trong sự bại hoại và diệt vong. Vì sự yêu mến tiền bạc là cội rễ mọi điều ác, có người vì đeo đuổi nó mà bị dẫn dụ lìa bỏ đức tin, và bị nhiều sầu khổ xâu xé mình” (1 Tim. 6:9, 10). Nói cách khác, nếu có một điều gì có thể dẫn dụ chúng ta xa khỏi Đức Chúa Trời, thì điều đó là tiền bạc.

Thực chất của thế gian là tiền bạc. Bất cứ khi nào anh em đụng đến tiền bạc, anh em đụng vào thế gian. Có một vấn đề được đặt ra, ấy là làm thế nào chúng ta sử dụng một điều mình biết chắc chắn thuộc về thế gian mà không bị liên hệ đến hệ thống thế gian? Làm thế nào chúng ta quản lý và làm ăn buôn bán bằng tiền bạc, là điều thuộc thế gian hơn tất cả những điều thế gian khác, mà không bị dính líu đến Sa-tan? Hơn nữa, vì ngày nay không thể thực hiện điều gì mà không phải trả tiền nên làm thế nào chúng ta có thể lấy tiền bạc, là nhân tố cao nhất trong sự xây dựng vương quốc của antichrist, mà sử dụng nó để xây dựng vương quốc của Đấng Christ?

Người đàn bà góa bụa là người dâng rất ít tiền mình có vào kho đền thờ đã làm một việc vừa ý Chúa đến nỗi bà được Ngài khen ngợi đặc biệt. Thật ra, đây là điều bà đã làm: bà lấy một điều gì đó từ vương quốc của Sa-tan mà đóng góp nó cho vương quốc của Đức Chúa Trời, và Chúa Giê-su đã tán thành hành động ấy. Chúng ta hãy tự hỏi, sự chuyển dời ấy đã được thực hiện như thế nào? Làm thế nào có thể lấy tiền, là điều mà bản chất vốn bất chính, để xây dựng vương quốc của Đức Chúa Trời? Làm sao anh em biết được mọi mối liên hệ giữa thế gian và đồng tiền trong túi mình đã bị cắt đứt? Anh em có dám nói rằng không có đông tiền nào trong tài sản của anh em được ghi trong sổ sách của Sa-tan không?

Trên mỗi đồng đơ-ni-ê La-mã đều có hình Sê-sa. Theo lời Chúa Giê-su, tất cả những đồng tiền ấy đều “thuộc về Sê-sa”. Làm thế nào mối liên hệ giữa Sê-sa và đồng tiền ấy bị cắt đứt? Tiền bạc là điều thuộc về thế giới. Đó là một phần thiết yếu của hệ thống thế giới. Vậy thì làm thế nào lấy tiền bạc vốn được thế gian tuyên bố quyền sở hữu trên tiền ấy ra khỏi thế giới và dâng lên cho Đức Chúa Trời sử dụng?

Trong thời Cựu Ước, có một nguyên tắc bất di dịch được thiết lập: “Hễ vật gì cấm, tức mọi vật mà một người dâng cho Đức Giê-hô-va từ những của cải mình có, hoặc người, hoặc loài vật, hoặc ruộng tổ nghiệp, thì không được phép bán, cũng không được phép chuộc lại; hễ vật gì cấm thì biệt ra chí thánh cho Đức Giê-hô-va” (Lê 27:28). Nói cách khác, không có sự hủy diệt thì không có sự dâng hiến thật. Vào thời đó, nếu đem một con chiên dâng cho Đức Chúa Trời thì con chiên ấy không được đặt trước mặt Ngài để tiếp tục làm một con chiên sống và sanh ra chiên con, mà được đặt trước mặt Ngài để làm sinh tế. “Nó phải bị giết đi” (c. 29). Sự hủy diệt là dấu hiệu sinh tế ấy được chấp nhận.

Tất cả tiền bạc thật sự dâng hiến cho Đức Chúa Trời phải trải qua nguyên tắc hủy diệt; tức là thế giới phải ngưng hiện hữu, và đối với tôi, tiền bạc cũng phải ngưng hiện hữu. Khi Chúa chúng ta khen người đàn bà góa chồng vì đã bỏ hai đồng xu vào kho, Ngài nhận xét rằng bà đã bỏ bios của mình vào đó, tức là bỏ sự sống mình. “Bà này... bỏ vào hết của mình có, tức là hết cả của bà có để nuôi mình” (Mác 12:44). Nhiều người chỉ bỏ tiền vào kho của Chúa; bà bỏ sự sống mình cùng với tiền của mình vào đó. Nói cách khác, khi số tiền ấy ra khỏi tài sản bà, sự sống của bà cùng ra đi với tài sản ấy. Khi dâng hai đồng xu, bà đã dâng tất cả.

Nếu tiền bạc của anh em phải ra khỏi thế giới, thì sự sống của anh em cũng phải ra khỏi thế giới. Anh em không thể giữ chính mình lại và rồi đóng góp một điều gì đó có ý nghĩa cho Đức Chúa Trời. Anh em không thể gửi tiền ra khỏi thế giới, anh em chỉ có thể đem tiền [theo mình] ra khỏi thế giới!

Như vậy, chuyển tiền từ lãnh vực của thế giới qua lãnh vực của Đức Chúa Trời không phải là chuyện dễ, điều này liên quan đến sự đau đớn như khi sinh nở. Chuyển hồn người từ Sa-tan qua Đức Chúa Trời thật ra dễ hơn chuyển tiền từ Sa-tan qua Đức Chúa Trời. Bởi ân điển của Đức Chúa Trời, những người nam, người nữ có thể được Đức Chúa Trời chinh phục dầu chúng ta có dâng mình cho Ngài cách tuyệt đối hay không; nhưng đối với tiền bạc thì không phải như vậy. Cần phải có quyền năng thuộc linh lớn lao để đổi siếc-lơ của chúng ta, vốn có bản chất xấu xa, thành ra siếc-lơ thuộc nơi thánh. Tiền bạc cần chuyển đổi cũng như con người cần được hoán cải, và tôi tin rằng, tiền bạc cần được làm cho mới lại (nếu nói theo một ý nghĩa khác) y như hồn người cần được đổi mới. Nhưng việc anh em đem tiền đến dâng vào ngân quỹ tự nó sẽ không thay đổi tính chất của số tiền anh em đem dâng. Sự sống của anh em phải cùng ra đi với tiền bạc của mình, nếu không, tiền bạc không thể được giải phóng khỏi vương quốc của Sa-tan để chuyển qua vương quốc của Đức Chúa Trời. Giá trị thuộc linh của công tác anh em làm cho Đức Chúa Trời tùy thuộc rất nhiều vào việc tiền bạc anh em quản lý có được chuyển khỏi hệ thống của Sa-tan không. Tôi xin hỏi anh em đã chuyển tiền bạc mình chưa? Anh em có thể tuyên bố rằng không có tiền bạc nào trong tay anh em thuộc về thế giới không? Bây giờ anh em có thể nói rằng tiền bạc của mình không còn là một phần của kosmos, vì tất cả đều đã được chuyển đi không? Anh em có vui lòng thưa với Đức Chúa Trời: “Con muốn chuyển tất cả tiền bạc con kiếm được bằng sức lao động của con, và mọi tiền bạc người khác biếu con để chúng đều thuộc về Ngài” không?

Đối với Phao-lô, nguyên tắc rất đơn giản: Chúng tôi muốn anh em chứ không phải những gì thuộc về anh em. Ông nói về các thánh đồ Ma-xê-đoan là những người đã dâng hiến rất rộng rãi trong tình cảnh nghèo khó của họ như sau: “Họ... trước hết dâng chính mình cho Chúa”, rồi họ cũng đã dâng tiền bạc của mình (2 Côr. 8:5). Phao-lô đã được huấn luyện theo Cựu Ước vì trong thời Cựu Ước, sự dâng hiến của cải vật chất luôn luôn gắn liền với sự dâng hiến con người mang của tế lễ đến. Có thể lý luận của ông bắt nguồn từ đó.

Có lẽ điều này có vẻ gây sửng sốt, nhưng đó là sự thật, ấy là Đức Chúa Trời có một nguồn tài chánh giới hạn, trong khi nguồn của Sa-tan thì vô hạn. Có lẽ anh em tự hỏi làm thế nào lời tuyên bố này có thể hòa hợp với lời Chúa cho rằng tất cả bạc và vàng đều thuộc về Ngài. Tuy nhiên, chính Chúa Giê-su lại nói rằng có những điều thuộc Đức Chúa Trời và có những điều thuộc Sê-sa. Cuối cùng, chắc chắn tất cả của cải vật chất đều thuộc về Đức Chúa Trời là Đấng Tạo hóa, nhưng số tiền trong kho của Đức Chúa Trời ngày nay bị giới hạn bởi số người dâng mình cho Ngài.

Nếu sống trong thời Cựu Ước, tôi có thể tính ra ngay số tiền trong đền thờ. Tôi sẽ hỏi tổng số con dân Y-sơ-ra-ên là bao nhiêu và nhân với nửa siếc-lơ bạc để chuộc mua mỗi người (Xuất 30:11-16). Tôi cũng cộng thêm năm siếc-lơ cho mỗi đầu người về việc chuộc lại mỗi một con đầu lòng Y-sơ-ra-ên mà trội hơn số người Lê-vi đã được chuộc (Dân 3:39-51). Sau đó tôi cũng cộng thêm vào hai số trên giá trị trên mỗi cá nhân tự nguyện dâng mình cho Chúa, tùy theo siếc-lơ thuộc đền thờ (Lê 27:1-8). Vâng, số dân của Đức Chúa Trời quyết định số tiền của Đức Chúa Trời. Mức giới hạn tài sản trong kho Đức Chúa Trời căn cứ trên số người dâng mình cho Ngài.

Như vậy, vấn đề quan trọng mà mỗi người trong chúng ta cần phải trả lời là số tiền tôi chạm đến hôm nay có tượng trưng cho siếc-lơ thuộc đền thờ, hay cho ma-môn bất chính? Mỗi khi tôi nhận được một đồng, hay kiếm được một đồng, ngay lập tức, tôi phải bảo đảm rằng đồng tiền ấy được chuyển ngay từ tiền của thế giới thành tiền của đền thờ. Tiền bạc có thể hủy diệt chúng ta, nhưng cũng có thể bảo vệ chúng ta. Đừng khinh tiền bạc, giá trị của nó là thật đến nỗi chúng ta không thể khinh khi. Tiền bạc có thể đáng kể đối với Chúa. Nếu chính anh em ra khỏi thế giới với cả tấm lòng và hồn của mình, nếu Đức Chúa Trời muốn, anh em có thể đem nhiều vật quí báu ra khỏi thế giới cùng với mình. Khi người Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập, họ đem theo mình nhiều tài sản. Họ lấy hết của cải người Ai-cập, và chiến lợi phẩm họ đem theo mình để xây dựng Đền Tạm. Chúng ta nhớ lại thế nào một số người cũng đã đúc bò con bằng vàng và gây mất mát cho Đức Chúa Trời. Nhưng khi dân của Đức Chúa Trời lìa Ai-cập, thì Đền Tạm, ít nhất là của cải của Đền Tạm, cũng lìa Ai-cập với họ. Vàng, bạc, đồng, vải của Ai-cập, tất cả đều được chuyển ra và đóng góp cho đền thờ của Đức Chúa Trời.

Nếu anh em có thể tìm thấy thực tại ấy trong thời Cựu Ước thì tiêu chuẩn được đặt ra trong thời Tân Ước còn phải cao hơn biết bao! Bí quyết của thời Tân Ước về toàn bộ vấn đề tài chánh là chúng ta không giữ gì cho chính mình. “Hãy cho, thì các ngươi sẽ được cho lại”, đó là Lời của Chúa chúng ta (Lu 6:38), không phải là “Hãy để dành thì các ngươi sẽ trở nên giàu có”! Nói như vậy có nghĩa là nguyên tắc của sự gia tăng thần thượng ấy là ban cho chứ không phải tích trữ. Đức Chúa Trời đòi hỏi mỗi người trong chúng ta phải cho một cách tương xứng, không phải cho tùy hứng; tức là Ngài ao ước một sự ban cho không tùy thuộc vào ý muốn bất thường, nhưng là kết quả của việc chúng ta đạt đến một giao ước rõ ràng với Ngài về vấn đề này, và giữ vững giao ước ấy.

Như chúng ta đã thấy, bí quyết thật để chiếm đoạt tài sản của Sa-tan là dâng hiến chính bản thân mình. Vì đối với chúng ta, nếu đã được cứu chuộc khỏi thế giới và không phải do kết quả dâng chính mình cho Đức Chúa Trời, ấy là một điều hoàn toàn không thể được. “Anh em không thuộc về chính mình; vì anh em đã được mua với một giá rồi” (1 Côr. 6:19-20). Dầu chúng ta theo đuổi một nghề nghiệp hay việc thương mại đem lại lợi tức từ thế giới hay chỉ bận rộn rao giảng Lời Chúa và sinh sống nhờ sự dâng hiến của các con cái Đức Chúa Trời thì cũng chỉ có một con đường trước mặt chúng ta, chứ không có hai con đường. Tất cả chúng ta đều tận hiến mình cho Đức Chúa Trời như nhau và đều là chứng nhân của Ngài. Rõ ràng là không đúng nếu nói việc rao giảng Phúc-âm tự nó là tinh sạch và việc thương mại là ô uế, và do đó, những người tham gia vào việc thương mại trở nên nhơ nhuốc và kém giá trị đối với Đức Chúa Trời. Điều quan trọng là Đức Chúa Trời, chứ không phải công việc, phải là chính trung tâm của đời sống chúng ta.

“Đừng yêu thế giới, cũng đừng yêu những gì ở trong thế giới”. Anh em có sự xức dầu từ Đấng Thánh: hãy sống tùy thuộc vào sự xức dầu ấy! Anh em hãy dâng chính mình cho Đức Chúa Trời, hãy sống cho Ngài cách trọn vẹn và tuyệt đối, hãy xem những điều thuộc thế giới này là những gì bản thân anh em lưu tâm đến có được xóa khỏi sổ của Sa-tan mà chuyển qua trương mục của Đức Chúa Trời không. Vì “thế giới cùng với dục vọng của nó đều qua đi, nhưng ai làm theo ý chỉ của Đức Chúa Trời thì tồn tại đời đời”.