Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

Bất Ái Thế Giới-10

CÁC QUYỀN NĂNG CỦA THỜI ĐẠI SẮP ĐẾN
Tác giả sách Hê-bơ-rơ có ý gì khi ông nói về các Cơ-đốc-nhân “đã nếm trước... các quyền năng của thời đại sắp đến” (Hê 6:5)? Tất cả chúng ta đều đồng ý rằng có một thời đại tương lai huy hoàng mà chúng ta mong đợi. Trong thời đại ấy, vương quốc mà hiện nay “ở giữa” chúng ta như là sự hành động mạnh mẽ của Linh Đức Chúa Trời (Math. 12:28) khi ấy sẽ được mọi mắt trong vũ trụ trông thấy và không một thế lực nào dám thách thức. Vương quốc của thế giới khi ấy đã trở nên vương quốc của Đức Chúa Trời chúng ta và của Đấng Christ của Ngài (Khải 11:15). Nhưng chúng ta có thể thắc mắc rằng như vậy thì “các quyền năng” mà ngày nay chúng ta chỉ nếm chứ chưa được thưởng thức cách trọn vẹn ấy là gì? Hiển nhiên đó là những điều chúng ta nhận lãnh và vui hưởng, vì từ ngữ “nếm” không chỉ ngụ ý một giáo lý để suy nghĩ hay phân tích, nhưng chỉ về một điều gì đó trong kinh nghiệm chủ quan và thuộc riêng về chúng ta. Các quyền năng này là vị nếm trước của một bữa tiệc có nhiều món ăn hơn nữa sẽ dọn ra sau mà chúng ta chỉ mới ăn được một ít.
 
Chúng ta có thể liệt kê nhiều điều như vậy mà Kinh-thánh đang hướng đến, ấy là sự cứu rỗi được bày tỏ trong thời sau cùng (1 Phi 1:5), phương diện tươi mới của sự sống đời đời trong thời đại sắp đến (Lu 18:30), sự nghỉ ngơi còn lại cho dân của Đức Chúa Trời (Hê 4:9), thân thể chết chóc của chúng ta sẽ được phục sinh và đổi mới (Rô 8:23; 1 Côr. 15:14), ngày mọi sự gây vấp ngã cho người ta đều bị cất bỏ (Giê 31:9; Ê-sai 57:14; 62:10), thời điểm mà mọi người sẽ đều biết Chúa, từ người nhỏ nhất đến người lớn nhất (Giê 31:34; Hê 8:11), và thật vậy, khi ấy trái đất đầy dẫy sự hiểu biết về vinh quang của Chúa như các dòng nước che lấp biển (Ê-sai 11:9; Ha 2:14). Hiện nay chúng ta được thật sự nếm trước tất cả những điều này trong Đấng Christ, nhưng chúng ta chưa thấy chúng cách trọn vẹn.

Những phần suy gẫm sau đây có liên quan trực tiếp với những gì chúng ta đang học tập. Thư gửi cho người Hê-bơ-rơ áp dụng lời trong Thi-thiên thứ 8 cho Chúa Giê-su chúng ta: “Chúa khiến muôn vật phục dưới chân người”, và sau đó, thư này nói tiếp một cách thẳng thắn, bày tỏ những gì mà kinh nghiệm chung của mọi người bắt buộc chúng ta phải thừa nhận, tức là “chúng ta chưa thấy muôn vật phục người” (Hê 2:8). Nhưng bên cạnh hai lời tuyên bố tương phản này, chúng ta cũng phải đặt lời tuyên bố của Chúa Giê-su trong Lu-ca 10:19, là chỗ Ngài đã ban cho các môn đồ Ngài “uy quyền... trên mọi năng lực của kẻ thù nghịch”. Chắc chắn đối với chúng ta, lời ấy hứa cho chúng ta được nếm trước trong hiện tại điều thuộc ngày tương lai mà chúng ta chưa thấy được.

Một lần nữa, trong cùng phân đoạn Phúc-âm này, cũng ghi lại lời Chúa Giê-su nói: “Ta thấy Sa-tan từ trời sa xuống như chớp” (10:18). Trong Khải-thị 12:9, dường như Giăng đặt biến cố này rất xa trong tương lai. Tuy nhiên, rõ ràng Chúa Giê-su ngụ ý điều ấy từ quan điểm của Hội-thánh làm chứng, theo một ý nghĩa nào đó thì điều này là một sự kiện hiện tại đã xảy ra rồi. Hơn nữa, trong một chương sau này của Khải-thị, Giăng được cho thấy ngày Sa-tan bị xiềng một ngàn năm (20:1-4). Tuy nhiên, Chúa Giê-su nói về “người mạnh sức” như đã bị trói rồi, để thậm chí bây giờ chúng ta có thể xâm nhập vào nhà của hắn để cướp của (Math. 12:29).

Đây là những lời tuyên bố quan trọng; vì chắc chắn nếu chúng ta sở hữu sự cứu rỗi và sự sống đời đời trong hiện tại, như chúng ta vẫn chắc chắn đã có, thì ngày nay chúng ta cũng đang nếm trước về những điều còn lại của “các quyền năng” ấy trong tương lai. Vì mặc dầu chưa được bày tỏ cách phổ thông, chúng rõ ràng là những kết quả của Thập Tự Giá và sự phục sinh của Đấng Christ, nên ít nhất trên nguyên tắc, chúng phải là tài sản hiện tại của Hội-thánh.

Mục đích đời đời của Đức Chúa Trời có liên quan chặt chẽ với loài người. Ngài phán: “Chúng ta hãy làm nên loài người theo hình ảnh chúng ta, theo hình dạng chúng ta, và cho họ quyền thống trị”. Đức Chúa Trời dự định con người nắm quyền hành để trị vì và cai trị, điều khiển các tạo vật khác. Chúng ta không thể nói rằng sự cứu chuộc là kế hoạch của Đức Chúa Trời, dầu chỉ là một phần, vì Ngài không bao giờ dự định loài người sẽ sa ngã, huống chi là hư mất. Sáng-thế Ký chương 3 trình bày lịch sử loài người, chứ không nói lên mục đích Đức Chúa Trời dành cho họ. Có thể một người thợ ngã từ tầng thứ năm của một tòa nhà đang được xây dựng, nhưng điều đó không bao giờ nằm trong kế hoạch của kiến trúc sư!

Không, kế hoạch của Đức Chúa Trời liên quan đến sự thống trị của con người, và chúng ta nên lưu ý lãnh vực đặc biệt của sự thống trị này, tức là “khắp cả đất” (Sáng 1:26). Trên trời không có vấn đề; vấn đề là ở trên đất. Loài người được dặn bảo: “Hãy làm cho đất phục tùng” (c. 28), chúng ta tự hỏi vì sao. Nếu không có những thế lực phải bị bắt phục, thì tại sao cần phải làm như vậy? Hơn nữa, chúng ta được biết Đức Chúa Trời đem con người đặt trong Vườn Ê-đen để trồng và “giữ vườn” (2:15). Từ ngữ này có ý nghĩa sâu hơn từ ngữ thông thường có nghĩa là “giữ” trong tiếng Hê-bơ-rơ. A-đam phải canh giữ Pa-ra-đi của Đức Chúa Trời, và một lần nữa, điều này ngụ ý có một kẻ thù đâu đó, mà A-đam cần canh giữ không cho hắn đến gần.

Thật thích thú khi chúng ta lưu ý cách dùng chữ của Sáng-thế Ký 1:26. Con người phải thống trị “trên khắp cả đất”, giữa những loài khác, và mệnh đề được mở rộng để bao hàm “loài bò sát bò trên mặt đất”. Nhưng trong sự việc đã xảy ra, vật đầu tiên con người không kiểm chế được là một loài bò sát, một con rắn. Do sự thất bại của con người, Sa-tan đã nhận được những quyền hạn hợp pháp trên trái đất bằng một phương cách mới trong chính con người. Đúng vậy, bụi đất là lãnh vực thấp hèn được chỉ định cho hắn. “Mầy sẽ bò bằng bụng và ăn bụi đất” (3:14). Nhưng bụi đất là gì? Đó là tố chất mà nhờ đó A-đam đã được dựng nên! Như vậy, nói theo lẽ phải, con người trong xác thịt hiện nay đang phục tùng Sa-tan. Kẻ thù của Đức Chúa Trời đã giành được quyền sở hữu rõ ràng đối với tất cả những gì con người là và có theo sự ra đời thiên nhiên. Sự sống của con người thiên nhiên là bàn đạp cho những hoạt động của Sa-tan trên trái đất này. Thế giới của Sa-tan phát sinh và tìm được sức mạnh trong quyền hạn mà hắn có nơi con người, ngay cả Đức Chúa Trời cũng không bàn cãi về những quyền hạn này. Do sự thất bại của A-đam, Sa-tan đã giành được quyền sở hữu tất cả những gì thuộc về cõi sáng tạo cũ.

Nếu Sa-tan bắt buộc phải ngưng hành động trong chúng ta, thì hắn mất vị thế trong chúng ta. Cho nên Đức Chúa Trời giải quyết tình huống bằng sự cứu chuộc, không phải bằng cách xử lý Sa-tan cách trực tiếp, nhưng như chúng ta đã thấy, bằng cách cất bỏ và dẹp sạch toàn bộ cõi sáng tạo cũ: chính con người, thế giới của con người và mọi sự, và qua đó lấy mất chỗ đứng hợp pháp của Sa-tan. Sự lật đổ Sa-tan không chỉ bao gồm trong một cú đấm trực tiếp nhắm vào hắn, nhưng gián tiếp do sự chết của Đấng Christ để tước đoạt khỏi hắn tất cả những gì theo lẽ phải đã trao cho hắn quyền điều khiển. “Người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh với Ngài, hầu cho thân thể tội lỗi bị diệt trừ, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội nữa” (Rô 6: 6).

Ngợi khen Đức Chúa Trời, vì vậy, Sa-tan không còn quyền hạn nào cả trong chúng ta. Nhưng đó chỉ là sự kiện tiêu cực. Cũng có sự kiện tích cực nữa. Đức Chúa Trời không những dời đi tất cả những gì cản trở mục đích đời đời của Ngài bằng cách cất bỏ cõi sáng tạo cũ mà Ngài còn đạt được tất cả những gì cần thiết để làm cho mục đích ấy trở nên thực tại bằng cách đem cõi sáng tạo mới đến, tức là Con Người Mới của Ngài. “Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại thì không còn chết nữa; sự chết không còn chủ trị trên Ngài được” (c. 9). Mục đích được khải thị trong Sáng-thế Ký chương 1 và bị mất đi trong chương 3 đã không bị mất mãi mãi. Điều gì Đức Chúa Trời không đạt được trong con người thứ nhất, Ngài đạt được trong Con Người thứ hai; và Con Người thứ hai ấy ở trên ngai. Không có gì ngạc nhiên khi người viết Tân Ước dám áp dụng lại lời của tác giả Thi-thiên: “Loài người là gì mà Chúa nhớ đến? Con loài người là chi, mà Chúa thăm viếng nó?... Chúa đội cho người sự vinh hiển và sang trọng!” Vậy, ông trích dẫn Thi-thiên, rồi reo lên: “Chúng ta thấy Giê-su… được đội mão miện… (Thi 8:4-6; Hê 2:6-9). Nếu cõi sáng tạo của nhân loại được dự định để đáp ứng nhu cầu của Đức Chúa Trời, thì bây giờ nhu cầu ấy cuối cùng đã được đáp ứng. Đức Chúa Trời đã có được Con Người của Ngài.

Vậy, Sáng-thế Ký chương 1, Thi-thiên thứ 8 và Hê-bơ-rơ chương 2 được liên kết với nhau cách độc đáo. Dĩ nhiên Thi-thiên thứ 8 thuộc về thể thi ca và hát lên kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại, nhưng điều quan trọng là mặc dầu có sự Sa Ngã, người ca hát vẫn không lạc hướng, mà cứ tái khẳng định kế hoạch nguyên thủy của Sáng-thế Ký chương 1: “Chúa ban cho người quyền thống trị”. Điều này không thay đổi. Hơn nữa, không những ông bắt đầu, nhưng còn kết thúc bài ca của mình với một lời reo lên ca ngợi: “Danh Chúa tuyệt mỹ trên khắp trái đất biết bao!”

Kẻ thù đã làm điều tệ hại nhất mà hắn có thể làm được, con người đã bị mắc bẫy trở nên phạm thượng đến Đức Chúa Trời, và nếu anh em hoặc tôi sáng tác Thi-thiên này, chắc chắn chúng ta đã tiếp theo câu 8 với một lời ta thán: “Nhưng than ôi, con người đã sa ngã, tất cả đều đã mất hết rồi!” Tác giả Thi-thiên không làm như vậy. Dường như ông hoàn toàn quên sự Sa Ngã, vì thậm chí ông không ám chỉ gì đến nó. Tư tưởng ông trổi cao, vượt qua toàn bộ lịch sử của sự cứu chuộc, và ông lại reo lên: “Tuyệt mỹ biết bao!” A-đam và Ê-va có thể sa ngã, nhưng họ không thể thay đổi mục đích của Đức Chúa Trời, ấy là cuối cùng con người sẽ lật đổ quyền lực của Sa-tan. Mục đích của Ngài vẫn đứng vững không chuyển lay và sự tuyệt mỹ của Ngài được nhận biết, nhưng tại đâu? Trên cả trái đất.

Không phải mục đích này chỉ được nhận biết trong Con Loài Người, nhưng trong các con loài người, là nhiều con mà Đức Chúa Trời đang đem đến vinh quang. Tác giả Thi-thiên đau đớn khi nhấn mạnh sự kiện này. Dầu kẻ thù làm điều tệ hại nhất, nhưng những quyền hạn hắn có được qua sự Sa Ngã đã chứng tỏ là có thể lấy đi được. Ở giữa loài người, có những người hắn không thể đụng đến được. “Vì các kẻ thù nghịch Chúa, Chúa do miệng trẻ thơ và những con đương bú mà lập nên năng lực Ngài, hầu cho người thù nghịch và kẻ báo thù phải nín lặng” (c. 2). Đức Chúa Trời không dựa vào những vị lãnh đạo quân đội vĩ đại. Trẻ thơ, phải, chính các em bé cũng đủ dẹp yên những đạo quân thù nghịch của Ngài.

Như chúng ta đã thấy, Thư Hê-bơ-rơ chương 2 đã nhận được cảm hứng từ Thi-thiên này. Tuy nhiên, Thư Hê-bơ-rơ đã tiến một bước xa hơn. Trong khi tái khẳng định mục đích của Đức Chúa Trời trong sự sáng tạo và mục tiêu mà sự sáng tạo ấy hướng đến, Thư Hê-bơ-rơ đã làm nhiều hơn như vậy. Khi chúng ta nhìn lại tiến trình lịch sử tăm tối của con người sa ngã cách thực tế, thì hiện nay, mục đích của Đức Chúa Trời trong sự cứu chuộc và sự khôi phục đang nhắm thẳng đến cùng đích giống y như vậy. Trong mọi hoàn cảnh mới mà sự cứu chuộc đã thực hiện, kế hoạch ấy vẫn không thay đổi. Đức Chúa Trời chưa bỏ mục tiêu của Ngài. Hơn nữa, theo quan điểm của tác giả, vượt xa sự đắc thắng của Thập Tự Giá, với lòng tin chắc, ông có thể quả quyết tái khẳng định trong đức tin của tác giả Thi-thiên. Vì thế, vượt trên tất cả những gì đã đánh mất, thật vẫn đúng khi nói rằng cùng đích đã được đạt đến trong Đấng Christ.

Vâng, đây vẫn là cùng một kế hoạch: “Ngài không để một vật nào không phục người” (c. 8). Những gì người ta thấy bên ngoài có khuynh hướng phủ nhận điều này, nên “chúng ta chưa thấy muôn vật phục người”. Tuy đúng như vậy, tác giả không quan tâm đến điều đó và ngay lập tức ông tiến tới cách khải hoàn: “Nhưng chúng ta thấy Ngài, Giê-su, là Đấng chịu làm thấp kém hơn thiên sứ một chút, vì đã chịu khổ sở của sự chết, mà được đội mão miện vinh hiển tôn trọng, hầu cho bởi ân điển Đức Chúa Trời mà Ngài vì mọi người phải nếm sự chết” (c. 9). Và sau đó, hầu như thách thức, ông nói thêm: “mà Ngài có thể diệt trừ... ma quỉ” (c. 14).

Những gì con người phải thực hiện cho Đức Chúa Trời trên đất này, và rồi thất bại không làm được, thì Chúa Giê-su đã hoàn thành cả. Ngài “vì mọi sự nếm sự chết ” (theo nguyên văn Hi-lạp, không chỉ “vì mọi người”). Nói như vậy tức là không phải Ngài đã chết chỉ để cứu chuộc loài người mà Ngài đã chết vì cả cõi vũ trụ, và đi lùi lại xa hơn nữa, vì sự khôi phục mục đích của Cha trong việc lật đổ hoàn toàn trật tự của Sa-tan.

Do đó, hiện nay, Hội-thánh có một trách nhiệm rõ ràng trước mặt Đức Chúa Trời, ấy là bày tỏ sự đắc thắng của Đấng Christ trên lãnh thổ của Sa-tan. Nếu phải có một chứng cớ cho các chủ quyền và các thế lực, nếu ảnh hưởng quyền tể trị tối cao của Đấng Christ nhờ Thập Tự Giá phải được bày tỏ ra trong lãnh vực thuộc linh, thì điều đó chỉ có thể thực hiện được khi chỗ đứng hợp pháp trong lòng chúng ta của “kẻ tranh vị” trong cuộc đua phải bị đối đầu, phải bị cất bỏ và loại trừ nhờ chính Thập Tự Giá ấy. Vì mục tiêu của Đức Chúa Trời vẫn là con người phải có quyền thống trị. Công tác của chúng ta cho Ngài không nên dừng lại ở việc công bố một Phúc-âm đã được định chỉ để phá hủy ảnh hưởng của Sáng-thế Ký chương 3, dầu sự phá hủy ấy kỳ diệu đến đâu chăng nữa. Đức Chúa Trời cũng muốn đem chúng ta trở lại chính Sáng-thế Ký chương 1. Ngài muốn trong Đấng Christ, chúng ta lấy lại sự thống trị phải lẽ trên kẻ thù của Ngài mà vẫn còn đang hiện diện tại đó, và vì thế, phục hồi trái đất một cách có hiệu quả cho Ngài. Như Phao-lô nói với chúng ta, chắc chắn đây là lý do vì sao “cõi sáng tạo đều thiết tha trông đợi sự hiện ra của các con Đức Chúa Trời” (Rô 8:19).

Phúc-âm cứu rỗi là điều cần thiết và quan trọng để có thể đáp ứng nhu cầu của con người. Nhưng là các đầy tớ của Đức Chúa Trời, nếu chúng ta chỉ lao khổ cho người khác thì chúng ta hụt mất mục tiêu đầu tiên trong cõi sáng tạo, ấy là không chỉ cung ứng cho nhu cầu của con người nhưng còn cho nhu cầu của chính Ngài. Vì như chúng tôi đã nói, sự sáng tạo con người phải đáp ứng nhu cầu của Đức Chúa Trời. Như vậy, ngày nay để đáp ứng nhu cầu của Đức Chúa Trời, chúng ta phải tiến xa hơn một bước và xử lý chính Sa-tan. Vì Đức Chúa Trời, chúng ta phải lấy lại quyền lực của hắn, đuổi hắn khỏi lãnh thổ, cướp lấy tài sản của hắn và giải thoát những kẻ bị hắn bắt giữ. Vấn đề không chỉ là vì lý do gì chúng ta chinh phục hồn người mà trái lại vấn đề là vì lý do gì chúng ta ở trong lãnh vực của các chủ quyền và các thế lực. Có một giá phải trả cho điều đó.

Thông thường, chúng ta có thể lay chuyển con người, nhưng không thể lay chuyển Sa-tan. Sự kiện rõ ràng là để xử lý Sa-tan, chúng ta phải trả một giá đắt hơn là chinh phục hồn người. Điều này đòi hỏi một linh tuyệt đối hướng về Đức Chúa Trời mà tự chính tình trạng ấy sẽ tước đoạt cách hiệu quả bất cứ chỗ đứng phải lẽ nào của Sa-tan trong chúng ta mà hắn có thể tuyên bố rằng hắn chiếm hữu được. Đó là một điều rất đắt giá. Trong tình yêu đầy thương xót của Đức Chúa Trời dành cho người hư mất, có thể Đức Chúa Trời thường bỏ qua và không màng đến những gì một người có thể cảm thấy cách đúng đắn đó là một sự yếu đuối đáng ghê sợ hay thậm chí một sự thất bại trong các đầy tớ của Ngài. Nhưng trong khi Ngài có thể làm như vậy với một người chinh phục hồn người, thì đối với việc chúng ta xử lý Ma Quỉ lại là một vấn đề khác.

Các uế linh có thể nhìn xuyên qua chứng cớ của một người. Chúng có thể nói khi nào người ta thỏa hiệp do không hết lòng hay không thành thật. Chúng biết khi chúng ta giữ lại một phần giá phải trả. Khi nhìn chúng ta, chúng không có ảo tưởng, [nhưng biết rõ] ai là người chúng có thể phớt lờ hay bỏ mặc mà vẫn được an toàn; và trái lại, chúng biết hết sức rõ ràng ai là người chúng không có quyền năng chống lại. “Ta biết Giê-su, cũng biết Phao-lô, nhưng các ngươi là ai?” (Công 19:15). Vì chúng tin, chúng biết lúc nào phải run rẩy. Tôi xin nói điều này: vì công tác quan trọng nhất của anh em là lật đổ chúng, nên anh em phải luôn luôn có được lời chứng của các thế lực uế linh hơn là sự khen ngợi của con người.

Nhưng giá của lời chứng này đối với các chủ quyền và thế lực là sự trung thành trọn vẹn, tuyệt đối với Đức Chúa Trời, tôi xin nhắc lại điều ấy. Nếu anh em ấp ủ những ý kiến riêng, những ước ao riêng, hay ưa thích những sự lựa chọn khác nhau và bướng bỉnh của mình, thì đó chỉ là làm cho kẻ thù có lợi thế. Tóm lại, đó là bỏ cuộc. Trong bất cứ lãnh vực nào khác thì tôi không biết, nhưng có lẽ giữa những động cơ của chúng ta còn có tư lợi mà chúng ta không chịu mất mát. Nhưng không bao giờ, tôi xin nhắc lại, không bao giờ có thể chấp nhận được trong lãnh vực này. Không tuyệt đối cho Đức Chúa Trời thì không đạt được gì cả, vì thiếu điều đó, chúng ta làm cho ngay cả Đức Chúa Trời cũng trở nên bất lực trước kẻ thù Ngài.

Vậy, tôi xin nhắc lại sự đòi hỏi ở đây rất cao. Anh em và tôi ở trên đất này có tuyệt đối phó thác, tuyệt đối dâng mình cho chính Đức Chúa Trời không? Vì thật như thế, thậm chí ngay bây giờ chúng ta có đang nếm trước các quyền năng của thời đại vinh hiển tương lai không? Chúng ta có đòi lại lãnh thổ từ kẻ cai trị của thế gian này để dâng lại cho Đấng mà chỉ một mình Ngài có quyền sở hữu nó cách đúng đắn không?